Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác các di tích Lịch sử - Văn hóa nhằm góp phần phát triển du lịch tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

  • 06/03/2020
  • 1329

        Di tích lịch sử văn hóa là một bộ phận của di sản văn hóa vật thể và theo quan niệm truyền thống thì di tích lịch sử văn hóa được cấu thành bởi 4 bộ phận gồm: Các công trình kiến trúc, địa điểm có liên quan tới các sự kiện lịch sử, hoặc nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa; Những đồ vật nội thất trong các công trình kiến trúc; Môi trường cảnh quan thiên nhiên xen kẻ hoặc bao quanh di tích; Những giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với các công trình địa điểm đó.

  Theo cuốn đại từ điển tiếng Việt, di tích lịch sử văn hóa được hiểu là “Tổng thể những công trình, địa điểm, đồ vật hoặc tác phẩm, tài liệu có giá trị lịch sử hay giá trị văn hóa được lưu lại”.

Tuy nhiên, tại điều 1 của Hiến chương Venice – Hiến Chương quốc tế về Bảo tồn và Trùng tu di tích và di chỉ (năm 1964) thì định nghĩa về di tích có phần mở rộng hơn: Di tích lịch sử không chỉ là một công trình kiến trúc đơn chiếc mà còn cả các khu đô thị hoặc nông thôn trong đó tìm thấy bằng chứng của một nền văn minh cụ thể, phát triển quan trọng hay sự kiện lịch sử. Khái niệm này không chỉ áp dụng với những công trình nghệ thuật lớn mà cả với những công trình khiêm tốn đã hội tụ được các ý nghĩa văn hóa của quá khứ. 

Còn tại điều 4, Luật Di sản văn hóa thì Di tích lịch sử văn hóa là các công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học.

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quyết định thành lập ngày 12/8/1991, là một tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, phía Bắc giáp tỉnh Đồng Nai; phía Tây giáp TP. Hồ Chí Minh; phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận; phía Nam giáp Biển Đông với hơn 305 km bờ biển, trong đó có khoảng 72 km là bãi tắm. Bà Rịa – Vũng Tàu có một vị trí thuận lợi và giàu tiềm năng cho việc phát triển du lịch, là nơi có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng và có khả năng đáp ứng du lịch cao, được đánh giá là một trong những điểm du lịch trọng tâm của đất nước. 

Hiện nay, toàn tỉnh có 48 di tích đã xếp hạng, trong đó: có 28 di tích cấp quốc gia; 01 di tích cấp quốc gia đặc biệt và 19 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Bà Rịa – Vũng Tàu còn có rất nhiều danh lam thắng cảnh và các di lích lịch sử, là nơi hấp dẫn các du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng; các lễ hội của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chủ yếu liên quan đến các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng như: Lễ hội Dinh Cô (Long Hải) diễn ra từ ngày 10 đến 12/2 Âm lịch hàng năm, lễ Trùng Cửu 9/9 Âm lịch (Long Sơn), lễ cầu Ngư (rước cá Ông) được tổ chức ở Lăng Cá Ông, đình Thắng Tam (Vũng Tàu) vào ngày 16/8 âm lịch hàng năm lễ hội Miếu Bà diễn ra các ngày 16,17,18 tháng 10 âm lịch. Ðây là những ngày hội thu hút rất nhiều du khách từ các tỉnh miền Ðông Nam bộ và các tỉnh lân cận về dự hội lễ và kết hợp du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch tỉnh nhà.


       Từ góc nhìn thực tiễn về mối quan hệ giữa việc khai thác các di tích lịch sử văn hóa với phát triển du lịch tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong thời gian qua chúng ta có thể thấy rằng, giữa di tích lịch sử văn hóa và phát triển du lịch có mối quan hệ biện chứng lẫn nhau và được thể hiện thông qua các khía cạnh sau: 

- Di tích lịch sử văn hóa tạo động lực thúc đẩy ngành du lịch phát triển:  

+ Các di tích lịch sử văn hóa tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được xem là nguồn tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ và từng bước trở thành một sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của địa phương mà không một nơi nào có được. Chính vì thế mà những năm gần đây, các hoạt động du lịch tham quan, tìm hiểu và khám phá về các di tích lịch sử văn hóa tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thu hút được một lượng khách rất lớn và không ngừng gia tăng theo từng năm. Sức hấp dẫn của các điểm đến đã tạo động lực cho ngành du lịch mang lại nhiều lợi ích về thu nhập, việc làm và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Điển hình như tại huyện Côn Đảo, mỗi năm huyện Côn Đảo đón từ 200.000 – 300.000 lượt khách ra tham quan, du lịch và phần lớn trong số đó đều đến tham quan tại các khu di tích lịch sử văn hóa của địa phương như: hệ thống nhà tù Côn Đảo, nhà Chúa Đảo, Bảo tàng Cô Đảo, Cầu tàu 914, chùa Núi Một…  


+ Những địa danh nổi tiếng và các di tích lịch sử văn hóa tại Bà Rịa – Vũng Tàu như: Bạch Dinh, Nhà tròn, Minh Đạm, nhà Lớn Long Sơn hay các lễ hội văn hóa truyền thống như: Nghinh Cô, Nghinh Ông, Trùng Cửu… còn được xem là động cơ để thôi thúc chuyến đi của du khách đến với Bà Rịa – Vũng Tàu bên cạnh loại hình du lịch biển với tiềm năng và thế mạnh săn có của tỉnh. 

+ Chính vì thế mà hiện nay, ngành du lịch xem đây là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với du khách trong và ngoài nước.

Với những giá trị và vai trò to lớn đó, ngày 27/12/2017, Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2017 – 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó xác định quan điểm là: “…phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa…” với mục tiêu: “…trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa trọng điểm…” và “… xây dựng loại hình du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn và đặc trưng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”.

- Du lịch phát huy các giá trị của di tích lịch sử văn hóa tại địa phương

+ Khi ngành du lịch đưa du khách đến tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm các di tích lịch sử văn hóa bản địa, thì sẽ tác động và làm cho chính quyền và người dân biết quý trọng, tự hào, quan tâm chăm lo gìn giữ bảo tồn, phục dựng và phát huy những giá trị vốn quý của các di tích lịch sử văn hóa tại địa phương mình.

  + Một phần nguồn thu từ các hoạt động du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa tại địa phương sẽ được quay trở lại tái đầu tư vào việc bảo tồn, tôn tạo, tôn vinh, phục dựng và quản lý di sản.  

Trên cơ sở các mối quan hệ mang tính biện chứng, gắn kết lẫn nhau giữa khai thác các giá trị di tích lịch sử văn hóa và phát triển du lịch tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã rất nổ lực nhằm đưa ra các giải pháp mang tính căn cơ và hữu hiệu trong việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, phát huy và khai thác một cách hợp lý và có hiệu quả các di tích lịch sử văn hóa tại địa phương nhằm tạo ra và mang đến cho du khách một sản phẩm văn hóa du lịch mang tính đặc trưng của tỉnh nhà. 

Tuy nhiên, cho đến nay việc khai thác giá trị của các di tích lịch sử văn hóa vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong đợi, vẫn còn mang tính thời vụ, nhỏ lẽ, tản mạn, đơn điệu cả về tổ chức du khách, cả về hoạt động quảng bá …, chưa tạo được sự liên kết liên ngành, đa ngành và sự vào cuộc của hệ thống chính trị cũng như của toàn xã hội; do đó việc khai thác các giá trị di tích này thiếu sự phát triển một cách bền vững mà nguyên nhân chủ yếu là do các hoạt động du lịch phát triển một cách nhanh chóng, ồ ạt và thiếu kiểm soát; cũng như sự trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa vẫn chưa theo kịp với tốc độ phát triển của ngành du lịch và chưa bắt kịp nhu cầu tham quan, tìm hiểu các giá trị văn hóa, nhân văn của du khách đối với vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu. 

  Bên cạnh đó, nhiều di tích còn chưa được quản lý, bảo vệ hiện trạng đúng yêu cầu, cảnh quan môi trường xung quanh các di tích bị phá vỡ; vệ sinh môi trường chưa sạch sẽ… gây ảnh hưởng xấu đến môi trường văn hóa tại khu di tích như khu vực Bạch Dinh, Thích ca Phật đài, tượng chúa kitô trên núi Tao Phùng…

Nhiều di tích ngày càng xuống cấp và bị tàn phá nghiêm trọng theo thời gian và do tác động của việc phục vụ du khách thường xuyên như khu di tích lịch sử cách mạng nhà tù Côn Đảo, địa đạo Long Phước…  

Từ những thực trạng trên, để cho công tác quản lý và khai thác các di tích lịch sử văn hóa một cách hiệu quả góp phần phát triển du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong thời gian tới thì chính quyền địa phương cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

- Hiện nay chúng ta đã có gần như đầy đủ các công cụ pháp lý quy định về lĩnh vực này như: Luật Di sản, các Luật có liên quan và hàng loạt các Nghị định, Thông tư hướng dẫn khác. Riêng tại Bà Rịa – Vũng Tàu, ngày 15/6/2018, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 18/2018/QĐ-UBND, ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta mới chỉ dừng lại ở khía cạnh trùng tu, tôn tạo các di tích đã xuống cấp theo từng công trình riêng biệt và từng phạm vi nhỏ lẻ, chứ chưa có một kế hoạch tổng thể mang tính chiến lược và triển khai định kỳ để có thể phát huy và nâng tầm giá trị của các di tích hiện có.  

- Muốn nâng tầm giá trị các di tích, trước hết chúng ta phải bảo vệ cho được hành lang di tích và những vùng lân cận đáp ứng các tiêu chí về cảnh quan, môi trường, môi sinh và các dịch vụ kèm theo để phục vụ nhu cầu của du khách như: hệ thống đường giao thông, nhà vệ sinh, giữ xe, quà lưu niệm... 

- Nhà nước phải ưu tiên và dành một phần kinh phí ổn định từng năm để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích. Bên cạnh đó, cũng cần phải có chính sách xã hội hóa và tạo điều kiện để doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng tham gia thực hiện. Hiện nay, một số di tích lịch sử văn hóa đã trở thành điểm đến của du khách và có hoạt động bán vé tạo nguồn thu sự nghiệp, vậy chúng ta phải xác định cho đúng đây là một hoạt động kinh doanh và nhà nước cần phải có chính sách quy định cụ thể về việc giữ lại một tỷ lệ kinh phí nhất định trong cơ cấu nguồn thu để phục vụ cho công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích.

- Đầu tư đúng mức cho công tác thuyết minh di tích, xây dựng nội dung và tạo điểm nhấn cho các di tích lịch sử văn hóa tại địa phương theo hình thức đa ngôn ngữ để có thể tiếp cận được nhiều đối tượng du khách khác nhau nhằm thu hút và tránh sự nhàm chán cho du khách trong những lần đến tiếp theo.

- Tăng cường công tác truyền thông, giới thiệu và quảng bá các giá trị di tích lịch sử văn hóa của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế để người dân và du khách biết và hiểu thêm về các giá trị hiện có của địa phương và từ đó sẽ nảy sinh các nhu cầu được đến để tham quan và tìm hiểu về các di tích này.  

- Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Văn hóa - Du lịch để xác định được phạm vi và trách nhiệm của từng nhành trong việc chung tay xây dựng và phát huy các giá trị của di tích phục vụ cho hoạt động du lịch. Vì công tác quản lý, trùng tu, tôn tạo, khai thác và phát huy giá trị di tích là trách nhiệm của ngành văn hóa nhưng đối tượng tiếp cận, thụ hưởng lại thuộc lĩnh vực du lịch. Do đó, cần phải có sự phối kết hợp thật sự chặt chẽ giữa 2 ngành để cùng phát huy và mang lại những hiệu quả cao nhất.  

    Di tích lịch sử văn hóa tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung và sự phát triển của ngành du lịch nói riêng. Do đó, việc bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nó không những gìn giữ và lưu truyền cho các thế hệ mai sau mà còn góp phần xây dựng nên một nền văn hóa Bà Rịa – Vũng Tàu tiên tiến, đậm đà bản sắc./.

THẾ VINH

THƯ VIỆN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU