Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Hồn phách núi sông

  • 12/08/2022
  • 422

Cuốn sách "Hồn phách núi sông: Tùy bút Khảo cứu Đông Nam bộ" của Nguyễn Đông A do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành năm 2022, gồm 280 trang, chỉ in 500 bản và Thư viện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) đã có 01 bản để phục vụ bạn đọc. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên Thư viện năng động, sáng tạo, kịp thời, chúng tôi sẵn sàng phục vụ bạn đọc mọi lúc, mọi nơi, vượt không gian và thời gian; đặc biệt là tài liệu địa chí – tài liệu viết về địa phương – quê hương BR-VT. Chúng tôi xin giới thiệu nguyên văn NHƯ LỜI MỞ ĐẦU của tác giả để bạn đọc biết, quan tâm và chia sẻ cho bạn bè và những ai quan tâm đến vùng đất địa đầu đất phương Nam:

"Đây là một cuốn sách không có bài giới thiệu, hoặc dẫn luận từ một ai đó có học hàm, học vị, chức sắc ở trang đầu như mọi cuốn sách thường có. Độc giả là thước đo cho những gì mình viết. 


Việc in cuốn sách là từ gợi ý của bạn bè, những người đọc các bài viết của tôi. Tôi xin lược qua một chút về quá trình hình thành cuốn sách.

Sau một thời gian tạm ngưng viết lách, ngày đầu năm mới vừa rồi tôi viết trở lại, bài tôi viết dài hơn năm, bảy lần so lúc trước. Bạn đọc xưa của tôi thì luôn than thở "bài dài quá". Nhưng cũng xuất hiện thêm bạn đọc mới thích dạng viết này. Khởi đầu là từ đề nghị của một người bạn thân, muốn tôi viết về Long Điền quê nội, nơi tôi sinh ra. Tiếp đến tôi tình cờ gặp lại một ông anh trên mạng, người tôi rất thân từ gần 50 năm trước, anh gợi ý tôi viết thêm các vùng đất lân cận. Thế là tôi viết, viết rất nhanh xong 16 bài viết, trong khoảng thời gian rất ngắn.

Tôi viết về Đông Nam bộ, lấy trục là các vùng đất bên sông Đồng Nai, nơi tôi quen thuộc, hiểu biết, từng sống, hoặc đi lại nhiều lần. Tôi không gọi là tản văn hoặc hỗn văn như trước kia nữa, tính chất văn chương có thể giảm bớt. Tôi gọi là tùy bút, để mình có thể tùy ý viết, không câu nệ thể loại, hoặc suy nghĩ nhiều về phương thức biểu hiện nghệ thuật. Cố gắng diễn đạt ngôn ngữ theo lối của mình để người đọc dễ hiểu, tiếp nhận đỡ nhàm chán. Nhưng không phải là bài viết để giới thiệu du lịch. Dĩ nhiên do tính chất của bài viết, không phải là để giải trí, bởi tính nghiêm túc của vấn đề trình bày, nên khá nhiều người vẫn cảm thấy khó đọc, bị "ngộp" bởi lối viết này.

Anh bạn nói trên là một người có tri thức, rất am hiểu về xứ Đồng Nai. Tôi đã trao đổi với anh về suy nghĩ, ý định của mình. Anh nói: "Cả nước từ trước đến nay chỉ có khoảng mười người viết sử có tiếng đáng để xem sách của họ. Tuy nhiên, xem sử nước nhà qua lăng kính các nhà sử học trên như xem phần nổi của tảng băng. Có lẽ do trước kia khi bị đô hộ, giặc phương bắc đã đốt gần hết sử sách nước ta chăng, nên chẳng còn gì để viết và đọc? Các nhà sư phạm về sử thì bảo nên bỏ môn lịch sử đi? Một số nhà làm sách giáo khoa lịch sử thì mỗi nhà mỗi kiểu, chả ai chịu ai, sư bảo sư giỏi – sãi nói sãi hay”, cuối cùng học sinh là người gánh chịu hậu quả". 

"Do vậy, nên chăng, tập hợp các bài viết, khảo cứu thành một công trình để đời? Nên chỉ bắt đầu từ thời Nguyễn Hoàng theo lời cụ Trạng Trình chỉ bảo, lui về “hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân”, về vùng đất Thuận Hóa mở đầu cho công cuộc khai hoang, chinh phục các vùng đất phía nam, kể cả Tây Nam bộ và Tây Nguyên…".

Tôi cũng trao đổi: "Đối tượng đọc, tôi không viết cho người nghiên cứu, nên cách viết không theo lối bác học, đầy những trích dẫn, chú giải. Bởi dù công trình có đúng đắn, hay ho đến mấy nhưng viết với toàn thuật ngữ chuyên ngành, đầy trích dẫn này nọ, thì nhiều khi cũng bỏ xó thôi, được mấy người đọc, lưu trữ ở thư viện, may ra có vài học giả khi cần mới đụng đến. Đối tượng đọc cần phổ biến hơn, chỉ cần ai có học vấn phổ thông từ trung bình khá trở lên là có thể đọc trực tiếp và cảm thấy có chút thích thú, hướng cho cả những người trẻ sau này".

Ở bìa cuốn sách tôi ghi là "tùy bút khảo cứu", nghĩa là có hai tính chất: "văn chương" và "biên khảo". Như vậy trong quá trình tinh chỉnh, sửa chữa, biên tập, tôi đã tăng tính chất "ký", ghi chép cũng như tự sự, tự luận để thu hút, lôi cuốn người đọc hơn, nhưng giữ mức độ "biên khảo" của các bài viết, không để giảm chất lượng. Dĩ nhiên sách là những tri thức nghiêm túc, đáng tin cậy, người đọc có thể rút ra những tri thức hay cho riêng mình.

Anh ấy lại nhận xét: "Các bài đã viết thật sự rất có giá trị tham khảo và nghiên cứu học tập cho nhiều loại đối tượng, nhất là về lĩnh vực lịch sử, địa dư…Phương pháp tiếp cận vấn đề và phân tích khá độc đáo, rất riêng và khác hẳn với các nhà sử học đương thời. Đó là những lát cắt dọc lịch sử theo từng thớ ngang, miếng dọc khiến người ta cảm thấy mới lạ, bất ngờ khác với lối mòn của các bậc đàn anh, tiền bối về sử vì cách tiếp cận này gắn liền sử và địa dư, phong thổ, dân tộc học, tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa… vân vân và vân vân".

Đúng vậy, ở mỗi bài viết, tôi dựa vào những cơ sở tri thức cụ thể như của khảo cổ, tư liệu sử, địa lý, dân tộc học, văn hóa học, văn học dân gian, tín ngưỡng, tôn giáo để viết về một địa phương, một vùng đất ở Đông Nam bộ và mở rộng một chút ra vùng lân cận có liên quan.

Cụ thể 16 bài đó là: Biên Hòa - Cù lao Phố, Đồng Nai Thượng - Vương quốc bí ẩn ở Cát Tiên, Một chút về Đất Đỏ, Long Điền - Vết tích thời gian, Long Hải - Thần cũng phải lắc đầu, Xuyên Mộc - Lần theo lịch sử, Vòng cung 51 tới Ô Cấp, Vũng Tàu thuở ấy, Phan Rang - Tiểu vương quốc Panduranga, Long Khánh - Cự thạch Dolmen, Long Thành - Vùng đất thịnh vượng, Tây Ninh - Đền Thánh Cao Đài, Thủ Dầu Một - Cơ hội và truyền thống, Người S'tiêng ở Bình Phước, Từ thành Kèn Biên Hòa đến cảng thị Cần Giờ, Vương quốc Phù Nam ở lưu vực sông Cửu Long. 

Cuốn sách tôi thực hiện, nội dung lấy từ 16 bài post trên facebook nói trên, nhưng được chỉnh sửa, lược bớt hoặc bổ sung. 16 bài viết là 16 mảng cắt lát về lịch sử bao gồm Long Điền, Long Hải, Phước Hải, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Bà Rịa, Long Sơn, Vũng Tàu của tỉnh BR-VT và Biên Hòa, Long Khánh, Long Thành của tỉnh Đồng Nai, nơi tôi quen thuộc, từng sống, từng đi lại. Tôi viết thêm về Thủ Dầu Một, Bình Phước, Tây Ninh. Các bài viết mở rộng ra cả Đông Nam Bộ và lấy con sông Đồng Nai làm "xương sống" cho loạt bài viết. Không dừng lại, tôi tiếp tục viết về các vùng đất lân cận có liên quan với con sông, với khu vực Đông Nam bộ, nhưng chủ yếu viết về chủ đề cổ xưa như tiểu vương quốc Champa ở Phan Rang, vương quốc Phù Nam ở lưu vực sông Cửu Long, vương quốc cổ Cát Tiên ở Lâm Đồng hoặc cảng thị cổ Cần Giờ. Tuy viết nhiều địa phương nhưng không viết nhiều, sâu về Sài Gòn và miền Tây Nam bộ vì có khá nhiều người đã viết. Nói tóm lại là tôi viết Đông Nam bộ trong mối tương quan với các vùng đất khác ở miền Nam. 

Về mặt học thuật, mỗi bài viết như một tiểu hệ thống, là thành tố trong mối quan hệ kết dính chặt với một hệ thống lớn hơn là Đông Nam bộ. Trong mỗi bài viết cố gắng không để chi tiết, nội dung thừa. Như ở các bài viết nói đến dân tộc thiểu số Chơro, S'tiêng và Mạ, thì ba dân tộc này lại nằm trong giả thuyết là chủ nhân của vương quốc ở Cát Tiên ở hai bài cuối. Hoặc viết về ngành nghề truyền thống chỉ viết ở Thủ Dầu Một, nơi xuất phát gốm sứ, điêu khắc gỗ và tranh sơn mài khá đặc sắc ở miền Nam. Hoặc viết về tín ngưỡng dân gian đề cập đến đình làng Thần hoàng bổn cảnh, Lễ Nghinh Ông và Lễ Nghinh Cô. Đó là tín ngưỡng chỉ có ở một địa phương, hoặc ở vùng biển nhưng lại có mối tương quan với nơi khác hoặc cả Nam bộ. Hoặc rải rác ở các bài có viết về chùa chiền, cơ sở tôn giáo như Phật giáo, Công giáo nhưng lại chú ý nói đến hai tôn giáo chỉ có ở Nam bộ là đạo Ông Trần và Cao Đài. Không viết về Sài Gòn và Tây Nam bộ, nhưng vẫn viết về tiểu vương quốc của người Chăm ở Phan Rang và vương quốc Phù Nam ở châu thổ sông Cửu Long trong mối quan hệ với các di chỉ khảo cổ ở Đông Nam bộ qua văn hóa Champa và văn hóa Óc Eo. Hoặc viết về Đồng Nai Thượng và Cần Giờ trong mối quan hệ thượng nguồn và hạ nguồn của con sông Đồng Nai… Điều đó có thể sẽ giúp người đọc phát triển tri thức qua từng bài viết, ngày càng được mở rộng, nâng lên, càng đọc về sau càng hiểu sâu sắc về vùng đất Đông Nam bộ. Đó như là bề rộng về không gian của chủ đề cuốn sách.

Về thời gian, chiều dài của lịch sử. Thường thì ở mỗi bài viết, phần đầu bài thường là phần khái quát về vùng đất, là lịch sử từ thời điểm cận đại, hoặc xa hơn một chút đến ngày nay, giúp người đọc có một cái nhìn tổng thể. Sau đó mới viết sâu về một, hai vấn đề từng diễn ra trong quá khứ. Vấn đề có thể thuộc về thời cổ đại, trung đại, hoặc cận đại, hiện đại. Các cứ liệu có thể lấy từ nguồn sử liệu xa xưa, có thể từ huyền sử, truyền thuyết, từ thành quả của khảo cổ học hoặc kết hợp với các ngành khoa học khác như văn hóa học, văn học truyền miệng, tôn giáo, địa lý học, dân tộc học, nhân chủng, thống kê… 

Như trên đã nói với thể loại là tùy bút, chủ yếu là ghi chép, tự sự, tự luận, ghi những điều từ bản thân, thuộc về cá nhân, được trải nghiệm, được biết hoặc nghe từ đâu đó. Rồi suy nghĩ, rút ra điều gì đó, có lập luận riêng về điều mình suy nghĩ. Dĩ nhiên những kiến thức tôi viết, là sự kế thừa từ hiểu biết của những người đi trước, không phải là tri thức sáng tạo, sáng tác nghệ thuật, tôi chỉ là người tập hợp, khái quát và có cái nhìn riêng về các vấn đề.

Đây, như tôi nói là tùy bút, ít nhiều mang cảm quan cá nhân và tôi viết rộng rãi cho nhiều đối tượng đọc, nhất là cho người trẻ để hiểu biết về nơi mình sống. Đây không phải là công trình khoa học, nên không viết theo lối nghiên cứu hàn lâm. Để tránh khô khan, cứng ngắc, những tri thức phổ biến, nhiều người biết thì tôi diễn đạt bằng ngôn từ của mình, chỉ những trích dẫn lời từ người khác thì ghi trong ngoặc kép, trích dẫn nào cần thiết phải ghi nguồn gốc, như để minh chứng cho điều mình nói, thì tôi ghi ngay trong ngoặc đơn liền sau đó, không ghi thêm ở phần chú thích cuối sách như những nhà nghiên cứu thường làm. Và trong sách cũng không có bản đồ, hình ảnh minh họa cho các bài viết hoặc các phần viết, nếu bạn đọc muốn tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn thì tự tìm tòi ở thư viện hoặc thu thập trên Internet. Trong sách có chèn hình ảnh chỉ là hình thức trang trí, thực hiện cho cuốn sách được đẹp, mỹ thuật hơn.

Theo dự kiến, cuốn sách khoảng từ 250 - 300 trang. Về tên cuốn sách, trước dự kiến là: SÔNG NÚI NAM BIÊN, "nhưng để tiêu đề bớt tính chất hàn lâm, thể hiện tính tự sự gần gũi với người đọc hơn" theo gợi ý của ông anh nói trên, tôi đổi tên sách là "HỒN PHÁCH NÚI SÔNG".

Cuốn sách đã được tinh chỉnh, lược bỏ hoặc bổ sung để bố cục sách được chặt chẽ hơn. Để ngôn ngữ được gãy gọn, khúc triết và phóng khoáng hơn. Để ý tứ, quan điểm, luận cứ trình bày rõ ràng hơn. Hy vọng cuốn sách được nhiều người đón nhận.

Maryland, tháng 06/2022

Nguyễn Đông A"

Chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc và những ai quan tâm.


HUỲNH TỚI

Phó Giám đốc Thư viện tỉnh BR-VT