Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Tăng cường xây dựng Tủ sách, luân chuyển và phục vụ lưu động góp phần nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc và phát triển Văn hóa đọc tại huyện Châu Đức

  • 05/03/2020
  • 953
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

    Hướng về cơ sở và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Quán triệt quan điểm đó, Thư viện huyện Châu Đức luôn xác định Thư viện xã, thị trấn là cánh tay nối dài giúp cho Thư viện huyện phục vụ được tất cả người dân trên địa bàn, đặc biệt là người dân ở vùng  sâu, vùng xa - nơi mà người dân còn khó khăn khi tiếp cận thông tin mới. Trong những năm qua, Thư viện huyện Châu Đức luôn chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, huy động nhiều nguồn lực để xây dựng và phát triển mạng lưới thư viện cơ sở, đẩy mạnh hoạt động luân chuyển nhằm đưa sách báo đến tận tay người dân ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn. Kết quả của việc phối hợp này là sự đa dạng trong các mô hình xây dựng tủ sách, phòng đọc cơ sở, mô hình thư viện mở… đặc biệt là sự phối hợp trong công tác luân chuyển sách báo tại các Trung tâm Văn hóa, Thể thao- Học tập cộng đồng, trường học và nhà văn hóa thôn ấp, khu phố nhằm mục tiêu nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

    Do đặc điểm là huyện nông nghiệp, địa hình rộng, việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn; người dân vùng nông thôn ít có điều kiện đến Thư viện để để đọc sách, vì vậy Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Học tập cộng đồng, nhà văn hóa thôn ấp, khu phố sẽ là một đầu mối giúp khai khác tốt vốn sách báo của Thư viện, giúp tăng vòng quay và hiệu quả sử dụng sách báo trong đời sống. Việc đưa sách báo phục vụ người dân tại các Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Học tập cộng đồng, trường học và nhà văn hóa thôn ấp, khu phố là biện pháp hữu hiệu thu hẹp khoảng cách thông tin giữa thị trấn và nông thôn, tạo sự bình đẳng trong việc hưởng thụ thông tin giữa các vùng trong huyện.

   

Các em học sinh tham gia đọc sách tại buổi phục vụ lưu động tại trường học 

   Trong những năm qua, Thư viện huyện Châu Đức và Thư viện xã, thị trấn được Huyện ủy, UBND huyện quan tâm đầu tư xây dựng trụ sở thư viện huyện và hệ thống thư viện cơ sở khang trang, số lượng tài liệu rất phong phú gần 200 ngàn (riêng Thư viện Châu Đức hơn 70.000 bản sách), nhưng dường như chỉ phục vụ độc giả tại địa phương đến thư viện để học tập, nghiên cứu và tích lũy tri thức cho mình. Nguồn tài nguyên sách báo không được khai thác có hiệu quả như mong muốn và điều này đã đặt ra nhiệm vụ cho những người làm công tác thư viện cũng phải nỗ lực phát huy khai thác nguồn tài liệu phong phú sẵn có tại hệ thống thư viện cho toàn thể cộng đồng tại địa phương, tăng cường vòng quay của tài liệu, giải quyết vấn đề sách chết trong kho. Để giải quyết vấn đề trên, một trong những hoạt động thiết thực là hình thành các tủ sách và phục vụ luân chuyển sách về cơ sở, Thư viện huyện Châu Đức đã chủ động phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Học tập cộng đồng xã, thị trấn xây dựng kế hoạch xây dựng tủ sách, luân chuyển sách báo tại các Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Học tập cộng đồng, trường học và nhà văn hóa thôn ấp, khu phố… Ngay từ những ngày đầu, cả hai đơn vị đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng về vốn sách báo, phương tiện luân chuyển, con người để tiến hành công tác luân chuyển đạt hiệu quả cao nhất và đến nay đã đạt được những kết quả nhất định. 

    Trong năm 2019, Thư viện huyện Châu Đức đã luân chuyển hơn 12.340 bản sách cho 68 điểm trường học, 7 thư viện xã và hỗ trợ hình thành 124 tủ sách tại lớp học, tặng 10 tủ sách di dộng dưới bóng cây tại các trường học, phối hợp xây dựng 05 Thư viện xanh tại các trường vùng sâu, vùng xa trên địa bàn, phục vụ và thu hút 27.000 học sinh tham gia.

    Đặc biệt, Thư viện huyện Châu Đức cùng với thư viện cơ sở  chung tay thực hiện chương trình “Vận động đảng viên tình nguyện tham gia xây dựng tủ sách cho Chi bộ, thôn ấp, khu phố” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Huyện ủy Châu Đức phát động, Thư viện huyện đã luân chuyển thêm 34 điểm tủ sách tại các chi bộ thôn ấp, khu phố với số vốn tài liệu: 6.800 bản sách. 

   

Hình thành những tủ sách tại các Chi bộ thôn ấp và Nhà văn hóa

    Bên cạnh đó, Thư viện huyện tiếp tục đẩy mạnh hình thành các tủ sách “Tri thức – Khởi nghiệp – Sáng tạo” phục vụ tại các quán café trên địa bàn huyện từ đó giúp người dân có cơ hội tiếp cận thông tin, cập nhật thường xuyên các kiến thức khoa học, kỹ thuật để phát triển kinh tế, đồng thời giúp người dân hiểu biết và làm theo các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần tạo thói quen đọc sách, báo cho người dân. Thư viện đã phối hợp thực hiện 03 thư quán với tổng số vốn tài liệu là 1.200 bản sách. Tạo mọi điều kiện để nâng cao nhận thức của mỗi người dân về ý nghĩa to lớn của việc đọc sách, đưa phong trào đọc sách trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa trong toàn thể cộng đồng.

    Định kỳ 4 tháng, đơn vị thực hiện luân chuyển sách đến các điểm mới và điểm cũ, trao đổi sách giữa các điểm. Định kỳ đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm công tác luân chuyển và báo cáo kết quả đạt được; những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện; những đề xuất, kiến nghị để có giải pháp kịp thời, hiệu quả trong công tác phục vụ nhân dân.

    Kết quả  số vòng quay vốn tài liệu và số liệu phục vụ bạn đọc tăng lên cụ thể như sau:


    Luân chuyển sách thật sự là một giải pháp thiết thực trong việc vừa tăng cường vòng quay vốn tài liệu, vừa tạo điều kiện thuận lợi về không gian và thời gian cho nhân dân tiếp cận với nguồn tri thức của nhân loại, mô hình thật sự tạo sự lan tỏa tình yêu sách đến nhân dân, góp phần đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng tại địa phương.

   

Công tác luân chuyển sách và phục vụ lưu động tại Nhà văn hóa

    Cho đến thời điểm này, công tác luân chuyển sách tại huyện Châu Đức đã trở thành hoạt động thường xuyên, góp phần tăng cường vốn sách cho tại các Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Học tập cộng đồng, trường học và nhà văn hóa thôn ấp, khu phố, góp phần nâng cao hiệu quả của sách báo, đáp ứng nhu cầu học tập, tra cứu thông tin và giải trí của người dân.

    Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai, thực hiện Thư viện đã gặp không ít khó khăn như: 

    Đa số các địa phương, công tác thư viện chưa thực sự được quan tâm, chú trọng của lãnh đạo, do vậy trụ sở của một số thư viện cơ sở có cơ sở vật chất còn thiếu thốn, diện tích chật chội nên chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.

    Thù lao của cán bộ Thư viện xã còn thấp, kiêm nhiệm nhiều việc, không có phụ cấp nên việc quản lý và phục vụ sách báo cho nhân dân chưa được quan tâm, chú trọng.

    Một hạn chế khác là công tác tuyên truyền, quảng bá đến với người dân đôi lúc chưa được quan tâm và thường xuyên; thời gian mở cửa phục vụ tại một số  điểm Thư viện cơ sở còn chưa phù hợp với điều kiện sinh hoạt của người dân ở cơ sở nên chưa thu hút được nhiều người dân đến đọc sách.

Để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng được sâu rộng cần có những giải pháp hoạt động thiết thục nâng cao chất lượng luân chuyển sách báo cụ thể như sau:

    - Cần xây dựng kế hoạch phối hợp cụ thể giữa Thư viện huyện và Thư viện cơ sở trong công tác luân chuyển sách.

    -  Trong quá trình thực hiện luân chuyển, cần chọn lọc, kiểm kê vốn tài liệu phù hợp với nhu cầu của bạn đọc thông qua khảo sát nhu cầu thực tế của nhân dân về nguồn tài liệu đảm bảo nguồn tài liệu kịp thời và đạt hiệu quả, thu hút được nhân dân.

   - Xây dựng tủ sách công cộng  và phát huy hiệu quả tủ sách cần phải kết hợp chặt chẽ, sáng tạo giữa phục vụ lưu động và luân chuyển sách là một hoạt động tích cực, thiết thực hướng về cơ sở:  Phục vụ lưu động là tuyên truyền giới thiệu những quyển sách mới cho nhân dân được biết, được tìm hiểu, được đọc, thu hút người dân,  nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho người dân, góp phần xây dựng văn hóa nông thôn mới; luân chuyển sách giúp làm mới tủ sách đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân; tăng cường vòng xoay vốn tài liệu, tiết kiệm kinh phí bổ sung vốn tài liệu;  Tuy nhiên để cả cộng đồng cùng hưởng ứng phong trào “đọc” cần phải biết sáng tạo nội dung, phương thức thực hiện thu hút bạn đọc cùng tham gia. 

    - Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực sách, báo nhằm thu hút người dân đến sử dụng tài liệu tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Học tập cộng đồng, trường học và nhà văn hóa thôn ấp, khu phố…

    - Khuyến khích cán bộ Thư viện xã làm thêm giờ, phục vụ cả buổi tối để phục vụ người dân đến đọc sách báo, tra cứu thông tin phục vụ nhu cầu giải trí và lao động sản xuất. Có quy định rõ ràng, hợp lý về chế độ phụ cấp đối với việc tăng giờ.

    - Cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng  nhiều hình thức đa dạng, phong phú như:  tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ của các đoàn thể quần chúng… Phối hợp với Đài Truyền thanh huyện và truyền thanh cơ sở tuyên truyền đến toàn thể người dân trên địa bàn huyện về chức năng và tiện ích của Thư viện huyện nhằm giúp cho bạn đọc nắm bắt được nhiều kênh “đọc” mới cung cấp kiến thức đa dạng, phong phú và hiệu quả để thu hút bạn đọc đến với Thư viện ngày một nhiều hơn. 

    - Vận động và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đoàn thể, Ban Giám hiệu các trường, các tổ chức đóng trên địa bàn huyện lồng ghép vào các buổi họp, hội nghị tuyên truyền đến cán bộ công chức, viên chức người lao động hiểu rõ hơn về tủ sách để bạn đọc đến khai thác và sử dụng tối đa các tiện ích 

    - Cần tổ chức các lớp tập huấn nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ thư viện cơ sở có trình độ nghiệp vụ bằng cách tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn hàng năm, thường xuyên cập nhật, đáp ứng với xu thế phát triển, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện cơ sở.

   - Đồng thời, phát triển các dịch vụ thư viện; tăng cường hướng dẫn sử dụng thư viện, quảng bá nguồn lực thông tin, vốn tài liệu và dịch vụ thư viện; phát triển dịch vụ thư viện lưu động, xem đây là những giải pháp quan trọng để củng cố và phát triển hệ thống thư viện cấp huyện.

    Tóm lại, nâng cao chất lượng văn hóa đọc là một quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, nhẫn nại và rất cần sự chung tay của gia đình, nhà trường, cộng đồng và xã hội. Để khơi dậy văn hóa đọc, Thư viện huyện Châu Đức đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể và đặc biệt là thư viện cơ sở thực hiện tốt chương trình xây dựng, phục vụ tuyên truyền lưu động và luân chuyển sách thời gian qua,  tạo ra một luồng gió mới và đang đánh thức văn hóa đọc trong các tầng lớp dân cư, nhất là thế hệ trẻ, lứa tuổi học sinh, sinh viên. Chúng tôi, những người suốt đời gắn bó với sự nghiệp văn hóa đọc luôn nhận thức rằng: Gầy dựng văn hóa đọc đã khó, giữ được nó còn khó hơn. Chính vì vậy, cán bộ, viên chức Thư viện huyện Châu Đức sẽ phải tiếp tục cố gắng hơn, sáng tạo, năng động hơn để phát triển huyện Châu Đức thành một điểm sáng về văn hóa đọc của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu./.

Thiên Mai - Tấn Tài