Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Thống nhất cơ cấu tổ chức để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống thư viện công cộng cấp tỉnh trong giai đoạn hiện nay

  • 21/06/2021
  • 417
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

     Thư viện là một thiết chế đã xuất hiện ở Việt Nam và trên thế giới từ rất lâu đời, gắn với lịch sử phát triển, sự tiến bộ của nhân loại. Là nơi thu thập, lưu giữ, xử lý, bảo quản các nguồn tài nguyên thông tin thư viện khác nhau để bảo tồn và phổ biến các nguồn tài nguyên thông tin đó cho người đọc nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, thông tin và hưởng thụ văn hóa của người dân, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước.

     Kể từ khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Thư viện số 31/2000/PL-UBTVQH10, ngày 28/12/2000 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 2001, thì sự nghiệp thư viện Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Pháp lệnh đã trở thành văn bản pháp lý cao nhất của ngành thư viện Việt Nam lúc bấy giờ, nó đã mở ra một thời kỳ phát triển mới cho sự nghiệp thư viện Việt Nam nhằm thúc đẩy và tạo sự chuyển biến lớn về nhận thức và quản lý thư viện. Từ chỗ thư viện chỉ là nơi giữ gìn di sản thư tịch của dân tộc, thu thập, tổ chức khai thác và sử dụng vốn tài liệu dùng chung, đến nay thư viện đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, không gian học tập sáng tạo của cộng đồng góp phần không nhỏ vào việc xây dựng nền tảng văn hóa phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Và không chỉ dừng lại ở đó, hơn 10 năm trở lại đây, các thư viện đã từng bước hiện đại hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng thư viện điện tử, thư viện số nhằm cung cấp thông tin cho người sử dụng được dễ dàng hơn. Hoạt động thư viện có thể nói đã phát triển lên một tầm cao mới và đang từng bước hòa mình vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để sánh tầm với các thư viện tiên tiến trên thế giới. Bên cạnh đó, ngành thư viện còn chuẩn bị cho mình hành trang để cùng cả nước bước vào giai đoạn chuyển đổi số bằng việc tích cực, chủ động tiến hành số hóa các nguồn tài nguyên thông tin thư viện hiện có nhằm góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số ngành thư viện theo các nội dung tại Quyết định số 206/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 

     Hiện nay, mạng lưới thư viện công lập đã được bao phủ trong toàn quốc và phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, tính đến năm 2018 cả nước có hơn 31.000 thư viện và hơn 21.000 tủ sách, phòng đọc cơ sở, cụ thể: (Thư viện Quốc gia Việt Nam, 63 thư viện tỉnh/thành, 665 thư viện cấp huyện; 2.970 thư viện cấp xã và hơn 17.000 phòng đọc, tủ sách cơ sở) và hệ thống thư viện đa ngành, chuyên ngành (với gần 400 thư viện các trường đại học, cao đẳng, 25.915 thư viện trường phổ thông các cấp; trên 100 thư viện chuyên ngành, thư viện các cơ quan nhà nước, hơn 500 thư viện, 4.500 phòng đọc sách lực lượng vũ trang nhân dân.

     Trong tổng số hàng chục ngàn thư viện và phòng đọc sách của hệ thống thư viện công lập đó thì thư viện công cộng cấp tỉnh giữ một vai trò vô cùng quan trọng, là thư viện trung tâm của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện chức năng xây dựng, xử lý, lưu giữ, bảo quản, kết nối và phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với người sử dụng thư viện; Tổ chức sử dụng chung tài nguyên thông tin, sản phẩm thông tin và dịch vụ thư viện; truyền bá tri thức, giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại; phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, giải trí; góp phần hình thành và phát triển kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, năng lực của người sử dụng thư viện; Ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, hiện đại hóa thư viện; Phát triển văn hóa đọc và góp phần tạo môi trường học tập suốt đời cho Nhân dân, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, xây dựng con người Việt Nam toàn diện. 

     Bên cạnh đó, hệ thống thư viện công cộng cấp tỉnh còn có thêm các chức năng, nhiệm vụ được quy định tại khoản 2, Điều 11, Luật Thư viện như: Thu thập tài liệu cổ, quý hiếm; tài nguyên thông tin về tiếng nói, chữ viết của người dân tộc thiểu số; tài nguyên thông tin của địa phương và về địa phương; Xây dựng cơ sở dữ liệu, thư viện số về địa phương; phổ biến tài nguyên thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương; Hỗ trợ, hướng dẫn, trang bị kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin cho người sử dụng thư viện; Tổ chức khu vực đọc phục vụ trẻ em, người khuyết tật; Tham gia xây dựng thư viện công cộng huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thư viện công cộng xã, phường, thị trấn; Tổ chức thư viện lưu động, luân chuyển tài nguyên thông tin, tiện ích thư viện; Tổ chức triển lãm và hoạt động khác nhằm phát triển văn hóa đọc; Thực hiện liên thông với thư viện trong nước và nước ngoài; Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho thư viện trên địa bàn theo phân công và thực hiện nhiệm vụ khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.

     Mặc dù, hiện nay chúng ta đã có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thư viện tương đối đầy đủ và hoàn chỉnh nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc ở Việt Nam ngày càng phát triển, khẳng định vai trò của thư viện trong phát triển văn hoá, khoa học, giáo dục của đất nước, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập như: Luật Thư viện (2019); Nghị định số 93/2020/NĐ-CP, ngày 05/10/2020 Quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện; Thông tư số 02/2020/TT-BVHTTDL, ngày 25/5/2020 Quy định về bảo quản, thanh lọc tài nguyên thông tin và tài nguyên thông tin hạn chế sử dụng trong thư viện; Thông tư số 18/2014/TT-BVHTTDL, ngày 8/12/2014 của Bộ VHTTDL, Quy định về hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của hoạt động thư viện; Thông tư số 13/2016/TT-BVHTTDL, ngày 09/12/2016 Quy định Quy chế mẫu hoạt động thư viện cấp tỉnh, huyện, xã; Thông tư Liên tịch số 02/2015/TT-BVHTTDL-BNV, ngày 19/5/2015 Quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp chuyên ngành thư viện... và nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện khác của các bộ ngành trung ương và địa phương trong việc hoàn thiện các chế độ chính sách nhằm tạo động lực phát triển các hoạt động thư viện trong cả nước... 

     Tuy nhiên, tất cả hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của trung ương, các quy định của địa phương đó cũng mới chỉ dừng lại ở góc độ quy định về các chế độ chính sách, quy định về việc tổ chức và hoạt động của hệ thống thư viện, quy định về các khâu nghiệp vụ chuyên ngành... Riêng, việc ổn định về mặt tổ chức bộ máy, nhân sự cho hệ thống thư viện công lập nói chung và thư viện công cộng cấp tỉnh nói riêng đến nay vẫn chưa được quy định một cách cụ thể, dẫn đến tình trạng mỗi tỉnh, thành áp dụng và triển khai một cách khác nhau, thậm chí trong cùng một địa phương nhưng các thư viện cấp huyện, cấp xã lại tổ chức theo những mô hình khác nhau, dẫn đến tình trạng thiếu sự đồng nhất trong công tác tổ chức, từ đó ảnh hưởng đến các điều kiện nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ thống thư viện trong cả nước.

     Chính vì vậy, vấn đề ổn định và đi đến thống nhất về cơ cấu tổ chức của hệ thống thư viện công cộng cấp tỉnh đang được hầu hết các thư viện tỉnh, thành trong cả nước quan tâm và đã trở thành một vấn đề rất bức thiết trong giai đoạn hiện nay. Mặc dù năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 429/QĐ-TTg, ngày 18/4/2019 về phê duyệt quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2021, định hướng đến năm 2030. Theo đó, giai đoạn 2021 – 2030: “Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tiếp tục duy trì 01 thư viện cấp tỉnh. Căn cứ yêu cầu công tác quản lý, điều kiện thực tế của địa phương nghiên cứu sắp xếp, tổ chức lại thư viện cấp huyện theo hướng sáp nhập hoặc hợp nhất với đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn cấp huyện hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao”. 

     Tuy nhiên, làm sao để duy trì 01 Thư viện cấp tỉnh trong bối cảnh cả nước vẫn đang tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/2017/NQ-TW, ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; cũng như triển khai Nghị định số 120/2020/NĐ-CP, ngày 07/10/2020 của Chính phủ Quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập... Và thực tế là một số thư viện cấp tỉnh đã và đang trong lộ trình sáp nhập với các thiết chế văn hóa khác ở một số tỉnh như: Long An, Lai Châu, Kon Tum... Vậy, vấn đề đặt ra ở đây là bản thân các thư viện phải tự nỗ lực, phấn đấu để từng bước chuyển đổi cơ chế hoạt động của đơn vị mình ở mức độ tự chủ ngày càng cao hơn để giảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, từ đó mới tính đến chuyện giữ được thiết chế thư viện độc lập trong bối cảnh hiện nay.

     Có thể thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến các hệ lụy trên là chúng ta vẫn chưa xây dựng được các văn bản quy phạm pháp luật, quy định rỏ ràng đối với thiết chế thư viện cấp tỉnh về cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong, cơ cấu nguồn nhân lực của một thư viện. Hệ thống thư viện mà chúng ta xem rất quan trọng và là đầu tàu để định hướng cho các hoạt động thư viện của một địa phương phát triển. Dẫn đến thiết chế thư viện cấp tỉnh của mỗi tỉnh, thành được tổ chức một kiểu khác nhau tùy vào tình hình thực tế tại địa phương đó. Chẳng hạn như cùng là thư viện cấp tỉnh như nhau, được xếp cùng hạng III nhưng số lượng người làm việc và cơ cấu tổ chức các phòng chuyên môn lại hoàn toàn khác nhau giữa các đơn vị, cụ thể như: Thư viện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có tổng số 41 người làm việc, trong đó có 31 biên chế và 10 HĐLD, cơ cấu tổ chức có 4 phòng chuyên môn với tên gọi như: Phòng Hành chính, Phòng Nghiệp vụ, Phòng Công tác Bạn đọc, Phòng Thông tin; Thư viện tỉnh Thanh Hóa cũng là thư viện được xếp hạng III có tổng số người làm việc tương đương Thư viện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhưng cơ cấu tổ chức lại có 6 phòng chuyên môn với tên gọi như: Phòng Bổ sung, biên mục; Phòng phục vụ bạn đọc; Phòng Địa chí; Phòng Xây dựng phong trào; Phòng Tin học; Phòng Hành chính – Tổng hợp; Thư viện tỉnh Bắc Giang có tổng cộng 21 biên chế, cơ cấu tổ chức có 4 phòng chuyên môn với tên gọi: Phòng Hành chính – Quản trị; Phòng Nghiệp vụ; Phòng Phục vụ người đọc; Phòng Địa chí – Thông tin – Thư mục; Trong khi đó, Thư viện tỉnh Kiên Giang có tổng số CBVC là 18 người nhưng cơ cấu tổ chức không chia theo Phòng chuyên môn mà tổ chức theo 02 bộ phận: Bộ phận Hành chính và bộ phận nghiệp vụ... Thư viện KHTH Tp.HCM lại có 8 phòng chuyên môn nghiệp vụ với tên gọi khác nhau... 

     Từ thực trạng trên, chúng ta có thể nhận thấy rằng, việc thống nhất quy định về cơ cấu bộ máy tổ chức, nhân sự của hệ thống thư viện cấp tỉnh là vấn đề rất quan trọng và bức thiết trong giai đoạn hiện nay. Nó quyết định trực tiếp đến  chất lượng các hoạt động thư viện, các hoạt động phát triển văn hóa đọc và thậm chí là quyết định đến sự “sống còn” của ngành thư viện các địa phương trong bối cảnh hiện tại. Vì vậy, chúng ta không thể cứ mãi quy định theo kiểu chung chung là tùy vào tình hình thực tiễn của các địa phương như thời gian qua được. Mà chúng ta phải ban hành cho được các văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể giống như Nghị định 107/2020/NĐ-CP, ngày 14/9/2020 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Nghị định 108/2020/NĐ-CP, ngày 14/9/2020 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương...

     Như vậy, để từng bước ổn định và tạo điều kiện cho các thư viện cấp tỉnh có thể phát phát triển tương xứng với tiềm lực kinh tế - văn hóa - xã hội của các địa phương, Chính phủ và Bộ VHTTDL cần sớm nghiên cứu và quy định thống nhất trong toàn quốc một số các vấn về như sau: 

     Thứ nhất: Thống nhất về tên gọi của Thư viện công cộng cấp tỉnh theo quy định tại Điều 2, Thông tư 13/2016/TT-BVHTTDL, ngày 09/12/2016 Quy định Quy chế mẫu hoạt động của thư viện công cộng cấp tỉnh, huyện, xã: Tên gọi thư viện công cộng các cấp như sau: Thư viện + cấp hành chính + tên địa phương nơi đặt thư viện. Tránh tình trạng mỗi địa phương đặt mỗi tên thư viện khác nhau như hiện nay. Ví dụ: Thư viện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Thư viện KHTH Tp.HCM; Thư viện KHTH Tp. Đà Nẵng; Thư viện Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre)...

     Thứ hai: Thống nhất quy định về cơ cấu tổ chức bên trong của thư viện công cộng cấp tỉnh: quy định số lượng và tên gọi các phòng chuyên môn. 

     Trên cơ sở các nội dung quy định tại Nghị định 107/2020/NĐ-CP, ngày 14/9/2020, Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ngành thư viện cũng nên nghiên cứu và thống nhất xây dựng khung cơ cấu tổ chức bộ máy các phòng và tên gọi các phòng chuyên môn đối với hệ thống thư viện công cộng cấp tỉnh để tránh tình trạng mỗi tỉnh quy định một kiểu như hiện nay. Để xác định được khung cơ cấu tổ chức bộ máy, chúng ta phải căn cứ vào số lượng biên chế được giao của mỗi thư viện; từ số lượng biên chế được giao chúng ta mới quy định được tổng số phòng chuyên môn có thể tổ chức được. Và sau đó, chúng ta lại xác định tên gọi cho các phòng chuyên môn đó và phân ra 02 loại khác nhau: Phòng chuyên môn thống nhất tổ chức trong toàn quốc và phòng chuyên môn tổ chức phù hợp với từng loại hình đơn vị. 

     Ví dụ: Theo quy định, mỗi phòng chuyên môn phải có ít nhất 07 biên chế viên chức, thì trên tổng số biên chế được giao, Bộ VHTTDL phải quy định cho được cơ cấu và tên gọi các phòng chuyên môn thống nhất trong cả nước như: 

     + Đối với các thư viện cấp tỉnh có dưới 20 biên chế thì cơ cấu tổ chức gồm: Ban giám đốc và 02 phòng chuyên môn nghiệp vụ với tên gọi được đề xuất như sau: Phòng Hành chính; Phòng Nghiệp vụ. 

     + Đối với các thư viện cấp tỉnh có từ 25 – 30 biên chế thì cơ cấu tổ chức gồm: Ban Giám đốc và 03 đến 04 phòng chuyên môn nghiệp vụ với tên gọi như sau: Phòng Hành chính; Phòng Nghiệp vụ; Phòng Phục vụ bạn đọc, Phòng Thông tin thư mục... 

     + Đối với các thư viện cấp tỉnh có từ 31 biên chế trở lên thì tùy vào điều kiện cụ thể của từng thư viện để xây dựng cơ cấu cấp phòng cho phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương. Ngoài 04 phòng chuyên môn quy định thống nhất trong toàn quốc, có thể bổ sung thêm các phòng như sau: Phòng Bảo quản và Tổ chức kho tài liệu; Phòng Mạng lưới và Phong trào, Phòng Tin học (Phòng Đa phương tiện, Số hóa tài liệu)...

     Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ cấu và tên gọi các phòng chuyên môn nghiệp vụ của thư viện cấp tỉnh cũng cần tính đến các yếu tố như: sự tăng trưởng và phát triển của thư viện trong tương lai; nhu cầu của người đọc; yếu tố khoa học – công nghệ... 

     Thứ ba: Phải thống nhất quy định chi tiết về xếp hạng thư viện trong cả nước

     Từ năm 2006 cho đến nay, việc xếp hạng thư viện các cấp đều được áp dụng tại các quy định của Thông tư Thông tư 67/2006/TT-BVHTT ngày 10/8/2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin. Qua nhiều năm thực hiện, các quy định này đã bộc lộ nhiều hạn chế và không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn của các thư viện trong toàn quốc như: Theo quy định xếp hạng tại Thông tư 67/2006/TT-BVHTT thì việc xếp hạng thư viện chủ yếu là căn cứ vào cấp hành chính để xếp hạng (Thư viện Quốc gia hạng I; Thư viện Tp. Hà Nội, Tp. HCM hạng II, Thư viện các tỉnh còn lại là hạng III..), Thông tư đã đánh đồng các thư viện cấp tỉnh trong toàn quốc với nhau mà không xét theo tiêu chuẩn về diện tích, cơ sở vật chất, trang thiết bị, vốn tài liệu sách, báo, chất lượng kho sách, chất lượng phục vụ bạn đọc và điều kiện thực tế của từng địa phương..., Do đó, đã kìm hãm sự phát triển của các thư viện trong suốt thời gian qua.

     Sau khi Luật Thư viện và nghị định 93/2020/NĐ-CP ra đời, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy trong việc xếp hạng các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và xếp hạng thư viện nói riêng. Không nên quy định cứng nhắc thứ hạng của từng đơn vị mà nên quy định cơ chế mở đối với từng thứ hạng, trong đó xác định cụ thể tiêu chí để được thăng hạng và xuống hạng nếu không đạt yêu cầu. Cụ thể: Nếu một thư viện cấp tỉnh đang xếp hạng IV nhưng sau một thời gian phát triển và đạt được các tiêu chí theo quy định của một thư viện hạng III thì Bộ VHTTDL xem xét và thăng lên hạng III; và nếu một thư viện cấp tỉnh đang xếp hạng III nhưng phát triển tốt và đạt được các tiêu chí của một thư viện hạng II thì xét nâng lên hạng II và ngược lại. Nếu thư viện đó không duy trì được các tiêu chí của thứ hạng mình đang xếp thì sẽ bị xét xuống hạng theo quy định. Có như vậy mới thật sự kích thích và tạo động lực cho các thư viện phát triển ngày càng tốt hơn.

     Có thế nói, thiết chế thư viện cấp tỉnh giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống thư viện Việt Nam, ngoài vai trò là thư viện trung tâm của tỉnh, Thư viện cấp tỉnh còn có nhiệm vụ là trung tâm thông tin, trung tâm văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng hữu ích, hỗ trợ việc tiếp cận thông tin, hưởng thụ các giá trị văn hóa và học tập suốt đời của người dân. Vì vậy, kiện toàn cơ cấu tổ chức của thư viện công cộng cấp tỉnh là cơ sở để thúc đẩy quá trình chuẩn hóa về nguồn nhân lực, về chuyên môn, nghiệp vụ trong toàn hệ thống thư viện, đặc biệt thông qua vấn đề kiện toàn cơ cấu tổ chức, sẽ góp phần tạo thuận lợi trong sắp xếp vị trí việc làm, phân công lao động theo tiêu chuẩn chức danh, nghề nghiệp viên chức thư viện theo quy định của pháp luật hiện hành. Từ đó sẽ giúp cho các thư viện cấp tỉnh có điều kiện để ngày càng hoàn thiện và phát triển hơn nữa trong xu thế chuyển đổi số như ngày nay. 

Thế Vinh

Thư viện tỉnh BR-VT