Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Thư viện tỉnh BR-VT nâng cao kiến thức về Sở hữu trí tuệ

  • 07/09/2020
  • 308
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

 “Sở hữu trí tuệ”  là các quyền về nhân thân và quyền tài sản hợp pháp đối với những tài sản trí tuệ do con người tạo ra, mà cụ thể là những quyền xuất phát trong các lĩnh vực công nghiệp, khoa học, văn học và nghệ thuật. Tại Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2019 quy định: “Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng”.

Cùng với những bước tiến của xã hội loài người, việc đăng ký các quyền về sở hữu trí tuệ ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và giữ gìn các giá trị lớn lao về mặt vật chất và tinh thần của những sản phẩm trí tuệ do chính tác giả đã tạo ra bằng sức lao động chân chính của mình. Trong những năm gần đây, vấn đề sở hữu trí tuệ ngày càng được xã hội quan tâm nhiều hơn bởi sự tác động một cách mạnh mẽ và trực tiếp từ sự phát triển rất nhanh chóng của lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Trên thực tế, mỗi tiến bộ của khoa học và công nghệ đều mang lại một thách thức mới trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, từ các văn bản đơn giản có thể sao chép thành hàng ngàn hàng vạn bản cho đến những thứ phúc tạp hơn như đĩa CD có thể nhân đôi dễ dàng thông qua máy tính cá nhân. Do đó, hiện nay, tất cả quốc gia trên thế giới đều có luật pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của riêng mình. Việc làm này rất cần thiết và quan trọng nhằm đảm bảo các quyền tiếp cận và phổ biến thông tin để chống lại các hành vi vi phạm, đảm bảo cho quyền sở hữu trí tuệ được thực thi một cách hiệu quả nhất.

Trong khuôn khổ dự án “Đào tạo về sở hữu trí tuệ trong ngành Văn hoá và du lịch” thuộc Chương trình phát triển trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Văn hoá Tp. HCM đã tổ chức lớp tập huấn nhằm truyền tải những kiến thức cơ bản cũng như chuyên sâu về sở hữu trí tuệ từ những Phó Giáo sư, Tiến sĩ, giảng viên, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ. Đối tượng tham gia các lớp tập huấn là những học viên đến từ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Tp. HCM và các tỉnh lân cận. Thời gian diễn ra từ ngày 05-07/9/2020.


PGS.TS. Lâm Nhân - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Tp. HCM - Chủ nhiệm dự án chia sẻ với các học viên về Dự án “Đào tạo về sở hữu trí tuệ trong ngành Văn hoá và du lịch”

Đến với chương trình tập huấn lần này, các học viên sẽ được BTC giới thiệu và cập nhật nhiều kiến thức khác nhau liên quan đến các nội dung:

- Tổng quan về sở hữu trí tuệ (SHTT) và các đối tượng của quyền SHTT trong lĩnh vực văn hoá và du lịch;

- Bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực văn hoá và du lịch;

- Bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực xuất bản;

- Bảo hộ và thực thi quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình; của tổ chức phát sóng, tổ chức phát tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.


PGS. TS. Trần Văn Hải - Trưởng Bộ môn Sở hữu trí tuệ, Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội phổ biến kiến thức Tổng quan về sở hữu trí tuệ (SHTT) và các đối tượng của quyền SHTT trong lĩnh vực văn hoá và du lịch

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ lớp tập huấn, các học viên còn được đi khảo sát thực tế về sở hữu trí tuệ tại nhiều địa điểm trên địa bàn Tp. HCM.

Kết thúc khoá học, các học viên được trang bị và cập nhật thêm nhiều thông tin, các quy định của pháp luật cũng như kiến thức thực tiễn về sở hữu trí tuệ để phục vụ tốt hơn cho công việc của mình. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ nói chung và sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa tại đơn vị và địa phương nơi công tác. 

Quang Sơn - Kim Yến

Thư viện tỉnh BR-VT