Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

TP.Vũng Tàu đặt mục tiêu đến 22/9 không còn khu vực phong tỏa

  • 16/09/2021
  • 176
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Ngày 15/9, Thành ủy TP.Vũng Tàu tổ chức họp báo thông tin về kết quả phòng, chống dịch của thành phố đến ngày 15/9 và dự kiến đến 22/9. Cuộc họp cũng thông tin chính thức về một số vụ việc mà dư luận quan tâm thời gian qua.


Bác sĩ Trương Đình Chính, Trưởng Phòng Nghiệp vụ, Sở Y tế thông tin về ca mắc COVID-19 là bác sĩ tình nguyện trở về từ Cần Thơ.

Cơ bản khống chế được dịch 

Tại cuộc họp, ông Trần Đình Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phòng, chống dịch COVID-19 TP.Vũng Tàu thông tin, thời điểm xuất hiện ổ dịch đầu tiên ở Cảng cá Cát Lở, TP. Vũng Tàu vào ngày 14/7, TP.Vũng Tàu nhận thấy nguy cơ rất lớn nên đề xuất giãn cách triệt để theo Chỉ thị 16. Đến ngày 19/7, 19 tỉnh thành phía Nam giãn cách theo Chỉ thị 16. Như vậy, TP. Vũng Tàu đi trước 5 ngày. Đến nay, TP. Vũng Tàu đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tròn 2 tháng. “Mục tiêu của của thành phố đặt ra là không để trở thành ổ dịch. Tính đến 15/9, TP. Vũng Tàu có hơn 1.348 ca F0 nhưng phần lớn là ở trong các khu cách ly, khu phong tỏa; chỉ có hơn 200 ca ngoài cộng đồng. Cùng với đó, kể từ 6/7 ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên trên địa bàn đến nay, thành phố đã thiết lập 131 khu phong tỏa, trong đó đã dỡ bỏ được 107 khu, còn 24 khu.

Ông Trần Đình Khoa cho rằng, dù còn phát sinh ca F0 làm đời sống người dân có phần bị xáo trộn, nhưng cơ bản địa phương đã kiểm soát được dịch COVID-19. Ông Trần Đình Khoa nhận định, trường hợp mắc COVID-19 ở Vũng Tàu phát sinh ngoài cộng đồng thời gian gần đây bắt nguồn từ 3 đối tượng chính bao gồm: Lái xe cung cấp mặt hàng thiết yếu đến tạp hóa, điểm bán lẻ; người bán tạp hóa và người từ vùng dịch trở về mà địa phương quản lý không chặt. "Do môi trường làm việc ở Vũng Tàu là thương mại dịch vụ, dân cư đông đúc khác xa với các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Châu Đức nên công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố đối mặt với nhiều trở ngại. Mặc dù, đa số người dân có ý thức chấp hành nghiêm việc giãn cách nhưng đâu đó vẫn còn một số cá nhân thiếu ý thức phòng dịch dẫn đến còn có ca F0 ngoài ý muốn", Bí thư Thành ủy Vũng Tàu phân trần. 

Ông Trần Đình Khoa cũng nhấn mạnh, thành phố đang phấn đấu đến 22/9 sẽ không còn khu vực bị phong tỏa, thay vào đó chỉ còn điểm bị phong tỏa. Dù khó có khả năng hết F0, nhưng thành phố nỗ lực khống chế số ca mắc ở mức thấp nhất để sớm trở lại cuộc sống bình thường mới.

Từ 18 giờ ngày 14/9 đến 18 giờ ngày 15/9, TP Vũng Tàu ghi nhận 9 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 3 ca mắc ngoài cộng đồng tại phường Thắng Nhì. Tính đến 18 giờ ngày 15/9, thành phố ghi nhận 1.351 ca; 767 ca khỏi bệnh. 3 ca mắc ngoài cộng đồng được xác định qua kết quả xét nghiệm PCR mẫu đơn đối với ống gộp dương tại phường Thắng Nhì theo kế hoạch lấy mẫu  xét nghiệm diện rộng đợt 2 toàn dân tại 5 phường: 8, 10, Thắng Nhì, Thắng Nhất, Nguyễn An Ninh vào ngày 13/9. Cụ thể là có 2 ca tại hẻm 105/76 Lê Lợi  và 1 trường hợp ngụ tại Bến Đình 3, phường Thắng Nhì.

Nguồn lây nhiễm tại hẻm 105 Lê Lợi không phải là từ bác sĩ tình nguyện

Tại buổi họp báo, phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu đã đặt câu hỏi liên quan đến nguồn lây ca mắc COVID-19 là bác sĩ tình nguyện V.Đ.T (ngụ hẻm 105 Lê Lợi).

Liên quan đến ca dương tính này, bác sĩ Trương Đình Chính, Trưởng Phòng Nghiệp vụ, Sở Y tế thông tin, bác sĩ V.Đ.T mới tốt nghiệp Đại học Y Cần Thơ (đào tạo theo địa chỉ của tỉnh) gồm 20 người trở về hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại BR-VT. Ngày 14/9, Tổ Phản ứng nhanh của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh do ông Mai Ngọc Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì đã làm việc với TP.Vũng Tàu. 

33 nhân viên y tế bị mắc COVID-19 

Theo nguồn tin từ Sở Y tế, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, không chỉ riêng tỉnh mà ở các địa phương khác, nguồn nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch (điều trị, xét nghiệm, lấy mẫu cộng đồng) thiếu, không đủ đáp ứng khi số ca nhiễm tăng rất nhanh... Mặt khác, đã có 33 nhân viên y tế trở thành F0 và 317 nhân viên y tế là F1 trong quá trình tiếp xúc, điều trị bệnh nhân. Do đó Trung ương đã cử nhiều đoàn, nhân viên y tế tình nguyện viên vào hỗ trợ tỉnh. Trong đó có 10 bác sĩ, điều dưỡng tỉnh Yên Bái; 30 bác sĩ, điều dưỡng tình nguyện tỉnh Thái Nguyên; 80 sinh viên ĐH Y Dược TP. HCM về cùng tham gia hỗ trợ chống dịch và tiếp nhận 20 bác sĩ mới tốt nghiệp ĐH Y Cần Thơ, là người BR-VT được tỉnh gửi theo chương trình đào tạo theo địa chỉ của tỉnh về địa phương chống dịch.

Tại buổi làm việc này, sau khi tìm hiểu kỹ, TS. Huỳnh Hồng Quang, Trưởng Đoàn công tác đặc biệt Bộ Y tế hỗ trợ tỉnh phòng, chống dịch đã khẳng định ca mắc COVID-19 là bác sĩ V.Đ.T không phải là nguồn lây cho chùm ca trong gia đình. Đồng thời, bác sĩ Quang đã đưa ra cơ sở khoa học để kết luận là dựa vào kết quả xét nghiệm PCR của F0 V.Đ.T cho thấy, gen vi rút của bác sĩ T. không phải ca nhiễm đầu tiên trong gia đình. Chùm ca mắc này đã xác định 9 F0 ban đầu, đến nay đã có 13 F0 trong tổng số 15 người. 

Mặt khác, đại diện Sở Y tế cũng khẳng định việc đón, đưa đoàn bác sĩ tình nguyện gồm 20 người từ Cần Thơ trở về tỉnh đều thực hiện đúng quy trình, bảo đảm quy định an toàn phòng, chống dịch.

“Ngoài ra, 19 bác sĩ về cùng bác sĩ T. tại Đại học Y Cần Thơ chưa có trường hợp nào dương tính với SARS-CoV-2; các trường hợp lưu trú cùng với bác sĩ T. trong phòng lưu trú riêng biệt tại Bệnh viện Bà Rịa cũng không có trường hợp nào dương tính. Tại Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh (nơi 20 bác sĩ lưu lại khoảng 3 tiếng lúc mới về tỉnh) cũng không ghi nhận ca dương tính. Như vậy có thể thấy nguồn lây của chùm ca bệnh này không xuất phát từ bác sĩ T. như dư luận phản ánh”, bác sĩ Trương Đình Chính khẳng định.

Bài, ảnh: Huyền Trang

 http://www.baobariavungtau.com.vn/

Nguồn: Báo Bà Rịa – Vũng Tàu