Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Luân chuyển sách báo phục vụ người dân tại Bưu điện Văn hóa xã trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

  • 12/08/2022
  • 520

Trong những năm qua, lĩnh vực Bưu chính – Viễn thông đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt kết quả khả quan trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, mạng lưới, điểm phục vụ; đa dạng hóa các dịch vụ Bưu chính – Viễn thông để phục vụ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân trên khắp các vùng miền và góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước. Đặc biệt, việc tăng cường và phát triển Văn hóa đọc đang là một nhu cầu thiết yếu của các tầng lớp nhân dân. 

Những nỗ lực và chung tay phối hợp giữa Thư viện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR- VT) và Bưu điện tỉnh BR-VT, với mục tiêu hướng tới là phát triển hệ thống Bưu điện Văn hóa cấp xã, làm mới Bưu điện Văn hóa thành những điểm cung cấp thông tin, văn hóa ở địa phương bằng việc tổ chức, hoạt động phục vụ sách báo, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa to lớn của hoạt động đọc; từng bước đưa hoạt động đọc trở thành thói quen và nét đẹp văn hóa trong cộng đồng. 

Vì vậy, luân chuyển tài liệu, sách báo là hoạt động thiết thực, hướng về cơ sở và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của địa phương, nhất là vùng nông thôn.


Bưu điện Văn hóa xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ, tỉnh BR-VT

Ngày 12 tháng 8 năm 2022, Thư viện tỉnh BR- VT đã tổ chức luân chuyển 800 bản sách đế 08 Bưu điện Văn hóa xã trên địa bàn tỉnh BR-VT, gồm: Bưu điện Văn hóa xã Xuyên Mộc, Bưu điện Văn hóa xã Hòa Hội (Huyện Xuyên Mộc), Bưu điện Văn hóa  xã Quảng Thành, Bưu điện Văn hóa xã Nghĩa Thành, Bưu điện Văn hóa  xã Xà Bang, Bưu điện Văn hóa xã Láng Lớn (Huyện Châu Đức); Bưu điện Văn hóa xã Châu Pha (Thị xã Phú Mỹ) và Bưu điện Văn hóa xã Phước Hội (Huyện Đất Đỏ).


Cán bộ Thư viện tỉnh BR-VT luân chuyển sách đến Bưu điện Văn hóa

Để luân chuyển sách báo đến hệ thống Bưu điện Văn hóa xã trên địa bàn tỉnh BR-VT đạt hiệu quả cao, Thư viện tỉnh BR-VT đã phối hợp với Bưu điện tỉnh BR-VT kiểm tra, khảo sát về nhu cầu sử dụng tài liệu, sách báo của người dân trên địa bàn làm căn cứ để lựa chọn loại hình tài liệu, sách báo; đảm bảo phù hợp với trình độ, nhu cầu của người sử dụng, đặc điểm và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thư viện tỉnh BR-VT đã ưu tiên lựa chọn tài liệu, sách báo phục vụ thanh thiếu nhi. Nội dung tài liệu, sách báo đa dạng, phong phú về chăn nuôi, trồng trọt, pháp luật, văn hóa… và các tài liệu khác phù hợp với đặc điểm dân cư trên địa bàn. 

Ưu tiên tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giới thiệu các nền văn hóa của dân tộc Việt Nam. Thư viện cũng quan tâm, chú trọng về mảng sách thiếu nhi để phục vụ nhu cầu đọc của đối tượng này tại Bưu điện Văn hóa xã... 

Luân chuyển tài liệu, sách báo, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của người dân, giúp họ có cơ hội tiếp cận sách báo, nguồn tri thức của nhân loại, cập nhật thường xuyên các kiến thức khoa học, kỹ thuật tiến bộ để phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, từng bước phát triển Bưu điện Văn hóa xã trở thành điểm cung cấp thông tin, đáp ứng tốt nhất nhu cầu thông tin, văn hoá và giải trí của cộng đồng, nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh BR-VT.


Cán bộ Thư viện tỉnh BR-VT hướng dẫn và sắp xếp tài liệu luân chuyển tại Bưu điện Văn hóa xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ

Có thể nói hoạt động luân chuyển tài liệu, sách báo của Thư viện tỉnh BR-VT đến Bưu điện Văn hóa xã có tác động rất lớn đến việc nâng cao trình độ tiếp cận thông tin, văn hóa cho người dân, giúp cho người dân tìm kiếm thông tin hữu ích phục vụ sản xuất nông nghiệp, kinh tế, lao động, việc làm, sức khoẻ; đồng thời  góp phần vào việc nâng cao dân trí tại các xã vùng sâu, vùng khó khăn góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới.

Trong thời gian tới, Thư viện tỉnh BR- VT sẽ tăng cường bổ sung kho sách luân chuyển, tiếp tục duy trì và luân chuyển sách đến Bưu điện Văn hóa xã trên địa bàn tỉnh BR- VT, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc đọc sách, đưa hoạt động đọc trở thành thói quen và nét đẹp văn hóa trong cộng đồng; thu hẹp khoảng cách thông tin giữa thành thị và nông thôn; tạo sự bình đẳng trong việc hưởng thụ thông tin – văn hóa, chung tay cùng xây dựng nông thôn mới và hoàn thành Chiến lược Phát triển Văn hóa đến năm 2030, trong đó có mục tiêu xây dựng hoạt động đọc trong cộng đồng.

Bùi Thị Chung

Phòng Nghiệp vụ - Thư viện tỉnh BR-VT