
Tác giả
Dương Thiệu Tống (1925-2008) là Giáo sư, Tiến sĩ, một Nhà Giáo dục học Việt Nam. Năm 1963 ông
tốt nghiệp Thạc sĩ Giáo dục tại Đại học Ohio (Hoa Kỳ). Năm 1968, ông bảo vệ
thành công Luận án Tiến sĩ Giáo dục học tại Đại học Columbia. Tại Việt Nam, ông phụ trách nhiều mảng
công việc liên quan đến giáo dục như: Nguyên Hiệu trưởng Trường Quốc học Huế, Trường Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức (thuộc Đại học Sư phạm Sài Gòn). Từ năm 1969, ông làm
giáo sư tại Đại học Sư phạm Sài Gòn, đồng thời làm Tổng Thư ký kiêm Phó khoa
Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, Đại học Vạn Hạnh… Ông chính là một trong những người
đầu tiên có bằng Tiến sĩ Giáo dục học ở Việt Nam.
Chính những bề dày kinh nghiệm trong việc trực
tiếp tham gia giảng dạy và nghiên cứu đã thôi thúc ông viết nên nhiều cuốn sách
về khoa học giáo dục có giá trị như: Suy nghĩ về giáo dục truyền thống và hiện đại; Thuở ban đầu – hồi ký sư phạm; Phương
pháp nghiên cứu khoa học giáo dục và tâm lý; Khảo luận về nền văn hóa giáo dục Lạc Việt; Trắc
nghiệm tiêu chí; Trắc nghiệm và đo lường thành quả học tập: Phương pháp thực
hành; Thống kê ứng dụng trong nghiên cứu giáo dục…
Trong những công trình mà
tác giả viết nên, đáng chú ý hơn cả là cuốn sách:
“Suy nghĩ về văn hóa giáo dục Việt Nam”, do Nhà xuất bản Trẻ phát hành năm 2002, sách
dày 294 trang.
Cuốn sách “Suy nghĩ về văn hóa giáo dục Việt Nam” là
một tập hợp các bài viết của tác giả về vấn đề văn hóa và giáo dục Việt Nam. Cuốn
sách được trình bày gồm có bốn phần chính:
Phần I: Tinh hoa của nền văn hóa giáo dục
truyền thống Việt Nam
Phần II: Nền giáo dục Việt Nam trong quá trình
hiện đại hóa
Phần III: Người Thầy và Trò trong truyền thống
Việt Nam và trong quá trình hiện đại hóa
Phần IV: Khoa học giáo dục và nghiên cứu khoa
học.
Với khoảng 30 bài viết và
tham luận của tác giả trong cuốn sách “Suy
nghĩ về văn hóa giáo dục Việt Nam” như: Thừa kế tinh hoa của nền giáo
dục cổ Việt Nam; Câu đối – một phương tiện trắc nghiệm trí tuệ của người xưa;
Trung học “phổ thông” thời hiện đại; Giảng dạy và học tập ở đại học trong thời
kỳ hiện đại hóa; Ai bảo du học là sướng?;
Luận về thi cử và bằng cấp; Thi tuyển và xét tuyển; Cần nghĩ ngay đến việc
đào tạo chuyên gia giáo dục; Tình bạn, tình thầy; Giá dục đạo đức
tự trị hay dị trị?; Cái đẹp của nghề nhà giáo; Khoa học giáo dục và nghiên cứu khoa
học; Một vài suy nghĩ về mục đích và phương pháp của ngành giáo dục đối chiếu
tại nước ta… Tác giả đã trình bày hai chủ đề lớn là: “Nền Văn hóa giáo dục
Truyền thống” và “Giáo dục trong thời kỳ Hiện đại hóa và Công nghiệp hóa”.
Những bài viết và tham
luận trong cuốn sách “Suy nghĩ về văn
hóa giáo dục Việt Nam” thường được trình bày trong các hội nghị và hội
thảo chuyên môn của các trường đại học, của Ban Khoa giáo Trung ương hay Trung
tâm Khoa học Xã hội thành phố Hồ Chí Minh; được đăng trên các nhật báo và Tạp
chí Tuổi trẻ ở thành phố Hồ Chí Minh… là sự chú ý của các nhà quản lý giáo dục,
những người quan tâm đến phát triển văn hóa, giáo dục của nước nhà.
Tác giả luôn nhấn mạnh về
sức mạnh sáng tạo trong văn hóa mỗi con người Việt Nam là một nét đặc sắc của truyền
thống dân tộc ta. Tinh thần sáng tạo ấy,
bên cạnh các nét truyền thống đặc thù khác của văn hóa dân tộc, phải là trung
tâm điểm của mọi chương trình phục hưng văn hóa và cải cách giáo dục ở nước ta,
là một điều kiện không thể thiếu được cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong
thế giới hiện đại.
Chủ đề Giáo dục luôn là
một trong những chủ đề lớn của mọi quốc gia, dân tộc, cuốn sách “Suy nghĩ về Văn hóa Giáo dục Việt Nam”
chứa nội dung vĩ mô về giáo dục gắn liền với văn hóa Việt Nam, sẽ là một lựa
chọn hoàn hảo cho bạn đọc muốn tìm hiểu sâu sắc về Văn hóa – Giáo dục nước nhà.
Sách hiện có tại Thư viện
tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR – VT)
Xin trân trọng giới thiệu
tới quý độc giả!
Hoàng
Tuyến
Phòng Công tác Bạn đọc – Thư viện tỉnh BR - VT