Nhu cầu đọc sách là vô cùng cần thiết cho bất kỳ ai. Đối với học sinh, đọc sách tham khảo là yếu tố quan trọng giúp ích cho quá trình học tập hiệu quả. Tuy nhiên, việc đọc sách tham khảo đôi khi còn là khó khăn của nhiều học sinh, bởi sự đơn điệu, nhàm chán và kém sức thu hút. Chính vì thế, tôi muốn chia sẻ cho các bạn những kinh nghiệm đọc sách tham khảo mà bản thân đã tìm hiểu và ứng dụng trong quá trình học tập của mình.
Chọn sách là bước đầu tiên, rất cơ bản trong việc đọc sách. Đọc một cuốn sách hay sẽ giúp ta dễ hiểu, nhớ lâu và hiệu quả nhưng một cuốn sách kém chất lượng, không uy tín, với lối viết dài dòng khó hiểu, thậm chí là sách giả, sách nhái thì thật phí thời giờ, tiền của và nghiêm trọng nhất là sai kiến thức. Vì vậy, cần có sự nghiên cứu kỹ càng để chọn sách trước khi đọc. Hãy chủ động trò chuyện với thầy cô và các bậc tiền bối đi trước về sách tham khảo, tài liệu và họ sẽ sẵn lòng chia sẻ những cuốn sách hay mà họ biết. Chủ động tự mình đi chọn sách, cố gắng đọc hết phần mục lục, bạn cần hiểu rõ cuốn sách viết về cái gì, bố cục ra sao để tránh mua phải những quyển sách viết lan man, thiếu khoa học. Nếu bạn là một người sử dụng thông thạo internet, hãy tìm những quyển sách hay qua các bài giới thiệu, review sách (Bật mí, Thư viện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có mục giới thiệu sách khá hay đấy các bạn ạ). Một cuốn sách hay luôn trường tồn với thời gian. Bởi khi đọc một quyển sách như vậy, chúng ta đều muốn chia sẻ với mọi người.
Sách tại Thư viện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Làm sao để tạo động lực đọc sách? Thông thường, chúng ta nhanh cảm thấy chán nản và dễ bỏ cuộc với những cuốn sách tham khảo. Vì vậy, trước hết cần tạo ra lý do để mình đọc sách. Cần làm cho tư tưởng cảm thấy thoải mái, là bản thân mình muốn đọc sách chứ không phải bị “ép” đọc sách. Vì thế, hãy nghĩ đến những lợi ích của việc đọc sách tham khảo. Chúng ta sẽ có một nguồn kiến thức sâu, rộng hơn sách giáo khoa, từ đó không những hiểu bài mà còn thông thạo bài học, chúng ta sẽ có cơ hội để chia sẻ kiến thức của mình trong các tiết học dưới sự quý mến của thầy cô và sự ngưỡng mộ của bạn bè. Nhu cầu được thể hiện bản thân chính là nguồn lực đầu tiên tác động vào tinh thần trong quá trình tìm kiếm nguồn cảm hứng đọc sách. Đôi khi chúng ta cảm thấy ganh tị với bạn bè khi họ giỏi hơn mình. Và hầu hết, họ đều đọc sách tham khảo rất nhiều. Tại sao chúng ta không học hỏi? Tại sao chúng ta không tạo ra một cuộc đua chinh phục kiến thức cho riêng mình? Và, tại sao chúng ta không cố gắng đọc sách để có thể vượt qua họ?!
Một điều quan trọng nữa giúp chúng ta có thêm động lực đọc sách. Đó là hãy tự mua sách bằng sự cố gắng của chính bản thân. Thử tưởng tượng xem muốn mua một cuốn sách tham khảo, chúng ta chỉ việc xin tiền bố mẹ, cuốn sách đến với ta thật dễ dàng. Nhưng thay vì vậy, chúng ta tiết kiệm tiền tiêu vặt hàng ngày, nhịn những buổi ăn vặt, trà sữa để dành tiền mua sách. Khi đó cuốn sách sẽ trở nên quý giá biết bao, nếu không đọc hết thì thật uổng phí, xót xa!
Muốn việc đọc sách tham khảo diễn ra liên tục và xuyên suốt quá trình học tập, cần phải duy trì cảm hứng đọc sách. Nếu không, sớm muộn gì cuốn sách đó cũng phủ đầy bụi ở góc nhà mà thôi. Chúng ta nên tìm kiếm một người bạn có cùng sở thích và đam mê, đừng ngại chia sẻ cho nhau những cuốn sách hay mà mình biết. Khi ở nhà cả hai cùng đọc, khi ở trên lớp cùng nhau trò chuyện, trao đổi những vấn đề chuyên môn, những chỗ nào không hiểu thì có thể trao đổi cùng nhau. Thực tế cho thấy chúng ta dễ bỏ cuộc khi đọc sách tham khảo thường do khó hiểu và đơn độc. Như vậy việc tìm kiếm một bạn đọc chính là giải pháp tối ưu giúp duy trì việc đọc sách. Thêm vào đó, hãy lên một kế hoạch đọc sách cụ thể: Ngày đọc mấy phần, đọc trong bao lâu… Thiết lập một quy trình đọc sách tuần hoàn, có khoa học và cố gắng tuân theo lịch trình đó một cách nghiêm túc như một thói quen. Những thói quen tốt luôn có tác động tích cực, to lớn đến thành công của một con người. Vậy hãy tìm mọi cách biến việc đọc sách tham khảo trở thành một tách cà phê sáng không thể thiếu mỗi ngày.
Để có thể tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả nhất, cần có những kỹ năng đọc sách nhất định. Trước khi đọc sách tham khảo, hãy đọc qua sách giáo khoa vì đó là nền tảng của mọi kiến thức. Khi đã nắm được những kiến thức nền ấy, việc đọc sách tham khảo trở nên dễ dàng hơn, cơ hội nắm bắt được bản chất của vấn đề mới sẽ cao hơn. Sách tham khảo thường được viết với trình độ chuyên môn cao. Một lời khuyên chân thành dành cho các bạn, đặc biệt là những bạn ôn thi học sinh giỏi. Đó là hãy đọc những cuốn sách được viết theo chuyên đề riêng biệt vì chúng sẽ cho ta cái nhìn tổng quan, sâu và rộng hơn về lĩnh vực mà ta muốn tìm hiểu. Cuối cùng, đừng chỉ đọc rồi để đấy. Hãy để một quyển sổ kế bên, ghi chép lại những ý quan trọng, những bài toán hay trong quá trình đọc. Điều đó giúp chúng ta nhớ lâu hơn và khi cần tìm lại cũng rất nhanh chóng.
Mong rằng, sau khi đọc bài viết này, các bạn có thể dần định hướng cho mình những con đường riêng, vứt bỏ nỗi sợ đọc sách tham khảo và có cách đọc hiệu quả, để việc đọc sách trở thành một thú vui vô cùng hữu ích. Xin mượn lời của Đại văn hào người Nga - C. Pautốpxki để làm động lực cho tất cả chúng ta: "Bạn hãy đọc sách đi! Và mong sao trong đời bạn sẽ không có ngày nào mà bạn không đọc dù chỉ một trang sách mới."
Trịnh Đức Thắng
Học sinh lớp 12A1 - Trường THPT Châu Thành