Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Hiểu về Sông Dinh

  • 16/09/2019
  • 10920

Đất nước Việt Nam có nhiều con sông mang tên Dinh ở khắp nơi, từ Nghệ An, Quảng Bình, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đến Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT).

1/ Sông Dinh ở Nghệ An là phụ lưu cấp I của Sông Hiếu trong hệ thống sông Lam, chảy qua huyện Quỳ Hợp và Nghĩa Đàn. Sông Dinh bắt nguồn từ các phụ lưu hợp thành ở huyện Quỳ Hợp, trong đó lớn nhất là Nậm NọcHuổi Huống và Nậm Chông. Từ thị trấn Quỳ Hợp sông chảy hướng Đông, đổ vào Sông Hiếu ở ngã ba sông, ranh giới 3 xã Nghĩa HưngNghĩa ThịnhNghĩa Liên huyện Nghĩa Đàn.

2/ Sông Dinh ở Quảng Bình là một con sông chảy từ Tây sang Đông, thuộc huyện Bố Trạch. Sông bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, hợp lưu ở khu vực thị trấn Nông trường Việt Trung, thuộc huyện Bố Trạch. Trên sông có hồ Thác Chuối. Sông cắt ngang đường Hồ Chí Minh, đi qua các xã Nam TrạchĐại Trạch, cắt quốc lộ 1A, đổ ra biển Đông ở cửa biển xã Nhân Trạch. Sông chạy dài khoảng 15 km thì bị ngăn lại bởi đập thủy lợi Đá Mài, vị trí ở đoạn giáp ranh giữa Tiểu khu Hữu Nghị và Tiểu khu Quyết Thắng của Nông trường Việt Trung, dẫn nước tưới tiêu cho vùng lúa phía Nam huyện Bố Trạch và phía Bắc thành phố Đồng Hới. Khúc sông rộng nhất khoảng 200 m, hẹp nhất khoảng 150 m. Về mùa lũ, nước sông đục ngầu và dữ dội. Tuy nhiên, hầu như quanh năm nước trong, hiền hòa và khá đẹp. Tốc độ dòng chảy chậm do bị ngăn đập, dòng sông lững thững uốn quanh những rừng cao su xanh ngắt. Rễ cây cao su trong vùng được cho là có thể làm ô nhiễm nguồn nước sông, tuy nhiên chưa có số liệu cụ thể về nguy cơ này. Sự xói mòn đất cát từ những cánh rừng bị khai thác quá tải đã được cho là làm giảm lưu lượng của sông. Con sông là nơi sinh sống của rất nhiều loại cá như cá chépcá chìnhcá thát látcá giếccá lóc...

3/ Sông Dinh hay còn gọi là sông Vĩnh Phú ở Khánh Hòa, trước kia còn được gọi là Vĩnh An thuộc địa phận Ninh Hòa. Sông Dinh do 3 nguồn chính hợp lại gồm:

+ Nguồn thứ nhất là sông Cái: Phát nguyên từ dãy nước Vọng Phu ở quận Khánh Dương, chảy theo hướng Bắc Nam khoảng 10km, sau đó đổi theo hướng Tây Bắc Đông Nam, chảy ra thêm một quãng nữa khoảng 20km, qua Dục Mỹ, Tân Trúc, Phước Lâm rồi tới Vĩnh Phú.

+ Nguồn thứ 2  là song Cây Sao: Còn có tên gọi khác là Đồng Hương, sông này phát nguyên từ Buôn Lác, chảy theo hướng Tây Bắc Đông Nam, nhập vào sông Cái ở vùng Xuân Hòa. Sau đó từ nguồn Quảng Cư, sông này có tên là sông Dà, có lòng sông hơi rộng.

+ Nguồn thứ 3 là sông Đá Bàn: Phát nguyên từ dãy núi Đá Bàn, chảy theo hướng Bắc Nam khoảng 20km thì đến Phú Văn. Từ đây hạ lưu sông Đá Bàn được gọi với tên khác là sông Lốt (Vì ở đây cây rau lốt mọc rất nhiều). Nước sông Lốt đục quanh năm vì nước bùn trong các ruộng chảy vào, vì vậy còn gọi con sông này là sông Đục, chảy khoảng 4-5km thì tới Vĩnh Phú rồi nhập vào sông Cái.

Từ Vĩnh Phú, sông Dinh mới mang tên chính thức, chảy qua huyện lỵ Ninh Hòa khoảng 8km rồi ra cửa biển Hà Liên hay thường được gọi là cửa Bến Đồ. Quãng sông này tương đối sâu và rộng, có nhiều thuyền nhỏ của ngư dân qua lại đánh bắt cá. 

Trong 3 nguồn tạo nên sông Dinh thì sông Đá Bàn là rộng nhất, sông này cũng có nhiều thác ghềnh nhưng không hiểm trở. Từ 3 nguồn chính của sông Dinh các nhà thi ca cũng đã viết bài thơ:

“ Sông Dinh có ba ngọn nguồn,

Anh nhớ em, băng đèo vượt suối,

Nhưng không biết đường tìm đến thăm em,

Ghé vô chợ Ninh Hòa mua một sâu nem,

Một chai rượu bọt, anh uống cho say mm,

Để quên nổi nhớ thương.”

Khi ra gần đến cửa biển, sông Dinh còn tiếp nhận thêm một chi lưu nữa được gọi là suối Dõng, phát nguyên từ miền Hội Diêm Ninh Sơn, chay dọc theo chân núi theo hướng Bắc Nam, qua thôn Tân Kiều. Sát cửa Hà Liên lại có suối nước ngọt chảy từ trên dãy núi Tiên Du xuống rồi nhập vào sông Dinh.

Người ta thường ví “sông Cái là chị, sông Dinh là em” và hai chị em sông này đã góp phần tô điểm cho cảnh trí Khánh Hòa thêm duyên dáng, mang nguồn nước tưới mát các đồng ruộng sâu. Chính vì vậy, mà người dân Khánh Hòa xem hai con sông này như hai dòng sữa bất tận của người mẹ hiền.

4/ Sông Dinh, còn có tên là sông Tô Hạpsông Cái Phan Rang, là một con sông đổ ra Biển Đông. Sông có chiều dài 135 km và diện tích lưu vực là 3.109 km².

Sông Dinh bắt nguồn từ dãy núi cao E Lâm Thông giáp với tỉnh Lâm Đồng ở vùng Phan Rang. Sông có chiều dài 130 km, lưu vực 2050 km², lưu lượng trung bình 39m³/s, lưu lượng thấp nhất 3,35 – 8,0m³/s, tại hạ nguồn của Thuỷ điện Đa Nhim.

Trên sông có ba con đập được xây dựng là Song Pha, Nha Trinh và Lâm Cấm. Đập Lâm Cấm có cao độ +7,4m được xây dựng cách cửa sông Cái 15 km. Mặt cắt ngang của đập trên thượng nguồn là 3 km với trữ lượng nước khoảng 1,5 – 2,0 triệu m3 vào mùa khô và được bổ sung khoảng 12m3/s lưu lượng từ Thuỷ điện Song Pha. Lưu lượng thấp nhất (vào những tháng mùa khô – tháng tư) tại đập Lâm Cấm sau khi tưới tiêu ước lượng khoảng 2,0 – 3,5m3/s.

Khu vực thượng nguồn của sông có dạng bậc thềm có độ cao 800 – 1000m lòng sông dài và có độ trũng. Lưu vực các nhánh sông phân bổ hình rễ cây, từ Tân Mỗ về xuôi, sông chảy qua vùng đồi thấp là đồng bằng Phan Rang.

Chế độ dòng chảy của sông sông phù hợp với phân bổ mùa của khu vực là: Mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12 dòng chảy lớn có lũ. Mùa kiệt từ tháng 1 đến tháng 7, dòng chảy phụ thuộc vào việc xả nước tưới của Thuỷ điện Đa Nhim cho vùng Hải Du.

5/ Sông Dinh là một con sông nhỏ tại tỉnh Bình Thuận. Sông Dinh dài 57 km, lưu vực 904 km2. Sông bắt nguồn từ hợp lưu nhiều suối ở vùng núi các xã Đức Thuận và Suối Kiết, huyện Tánh Linh, nằm ở 10°58′53″B 107°42′22″Đ. Sông chảy hướng tây nam đến thị trấn Tân Minh ở 10°50′36″B 107°37′35″Đ. Tại đây sông tiếp nhận phụ lưu có tên "sông Giềng". Phần thượng nguồn sông này có tên "sông Ui", bắt nguồn từ thị trấn Gia Ray huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai chảy đến theo hướng gần Đông. Từ thị trấn Tân Minh sông đổi hướng Đông Nam qua xã Tân Xuân huyện Hàm Tân, và qua trung tâm thị xã La Gi rồ đổ ra Biển Đông.

6/ Ở tỉnh BR-VT, sông Dinh dài 40km, bắt nguồn từ hồ Kim Long ở xã cùng tên thuộc huyện Châu Đức; đoạn thượng nguồn tạo ranh giới tự nhiên giữa huyện Châu Đức và thị xã Phú Mỹ; đoạn trung lưu chảy qua trung tâm thành phố Bà Rịa; đoạn hạ lưu đổ ra vịnh Gành Rái thành phố Vũng Tàu.

“Núi Dinh ai đắp mà cao

Sông Dinh ai bới, ai đào mà sâu.”

Núi Dinh, sông Dinh là hình ảnh quen thuộc của người dân BR-VT, nhưng tên gọi ấy ra đời từ lúc nào, vì sao đến nay vẫn còn có nhiều cách lý giải.

Đi trên Quốc lộ 51 từ thành phố Hồ Chí Minh về Vũng Tàu, đến thị xã Phú Mỹ nhìn về hướng Đông, bên tay trái, thấy hình ảnh núi Dinh hiện dần lên trong tầm mắt.

Vùng hạ lưu sông Dinh chảy qua cầu Long Hương (phường Long Hương, TP.Bà Rịa)

Núi Dinh là một quần thể, nằm trên địa phận thành phố Bà Rịa và thị xã Phú Mỹ, gồm nhiều ngọn núi, như núi Sùng Sình, núi Ông Câu, núi Da Dâu… Cao nhất là núi Dinh (504m).

Ở từng thời kỳ, núi có nhiều tên gọi khác nhau. Thế kỷ XVIII – XIX, vùng đất này có tên gọi Mô Xoài nên người ta gọi núi theo địa danh. Từ năm 1868 thành lập dinh Trấn Biên thì núi cũng được gọi là núi Trấn Biên.

Sách “Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn viết: “Núi Trấn Biên ở cách huyện Phước An 6 dặm về phía Tây Bắc, tục gọi là Mô Xoài, động núi có hươu, nai, vách núi có cây thông, suối bay mây tụ cảnh trí vắng vẻ. Nửa núi có hang đá, sâu thẳm âm u chưa có người đến. Xưa có Nhà sư Tịch Cốc tên là Ngộ Chân làm chùa tu hành ở đây. Ngộ Chân không biết người ở đâu trước dựng chùa Đức Vân ở động núi Trấn Biên để trụ trì, giữ giới hạnh tinh tế cẩn thận, ngày thường chỉ ăn hoa quả, người ta gọi là sư Tịnh Cốc. Phàm có ai đem cúng của gì đều đem cấp phát hết cho người nghèo. Một hôm nhà sư lên nằm trong động rồi hóa, đồ đệ bèn lấp cửa động lại.”

Trong sách “Đất thắng cảnh Vũng Tàu”, hai tác giả Lữ Huy Nguyên và Giang Tấn lý giải: Để nhớ ơn ông Phạm Văn Dinh, một trong những người lập nên ba làng Tam Thắng  (Vũng Tàu), người ta lấy một ngọn núi ở Bà Rịa và sông chảy về Vũng Tàu để đặt tên. Sách “Châu Thành đấu tranh và xây dựng” lại chú thích “Năm 1658 có một cuộc điều binh của Chưởng cơ Yên Thành Hầu từ Phú Yên về đây, binh lính đóng khắp triền núi trong vùng. Trên núi có xây dựng một dinh thự cho quan Chưởng cơ làm việc. Từ đó ngọn núi này mang tên núi Dinh. Ngày nay trên ngọn núi còn dấu vết nền nhà, lối đi lại.”

Thật ra chữ “Dinh” do từ “Doanh” mà ra. Trước đây có doanh trại của binh lính nhà Nguyễn đóng ở khu vực này gọi là đồn Phước Giang. Đồn “Ở bên cạnh lỵ sở huyện Phước An. Bản triều đầu đời Trung Hưng, đắp làm đồn vuông, chung quanh đắp đê đất dài 50 tượng, mặt trông ra đường quan, để đóng giữ địa đầu, nền cũ vẫn còn”. Đồn được lập ra dưới triều Gia Long (1802 - 1820). Còn tên núi Dinh không biết được gọi từ lúc nào vì trong sách “Đại Nam nhất thống chí”biên soạn năm 1909 vẫn gọi là núi Trấn Biên. Có thể núi Dinh là tên gọi dân dã từ khi lập đồn binh tại đây…

Trong “Monographie de la province de Bà-Rịa et de la ville du Cap Saint-Jacques do người Pháp viết, ấn hành năm 1902 cho biết: “Làng Long Hương trung tâm đông dân ở trước Phước Lễ, bên bờ sông Dinh, gồm một phần dãy núi Dinh. Cũng trên núi đó có một ngôi chùa xây ở lối vào động sâu là nguồn của một dòng suối. Một người đàn ông đức độ tên là Đinh Công Lương, không biết từ đâu tới ở ẩn và xây ngôi chùa đó vào thời gian khá lâu. Vào lúc đó có hai con lươn trắng vào trong suối và họ gắn cho nó có phép màu chữa lành các bệnh. Sau khi đã cúng lễ xong, họ xuống suối uống vài ngụm nước. Ông Đinh Công Lương chết và đến năm Đinh Tỵ 1816 ở nhà tu sĩ khác tên Bùi Văn Đồn đến trụ trì tiếp và tu bổ lại ngôi chùa khang trang hơn. Bên trái là một am thờ Phật Bà Quan Âm, bên phải là hang Hắc Hổ. Những cây lớn râm mát che rợp ngôi chính điện, từ đó có thể nhìn bao quát xuống tận Gành Rái và một phần sông Sài Gòn. Đây là một trong những phong cảnh đẹp nhất mà ta có thể đến tham quan, thưởng ngoạn. Dân cư của làng gắn bó với nghề đánh cá và nghề trồng lúa, một phần của vùng còn lại bị bao phủ bởi rừng nguyên thủy cấm khai thác, trừ rừng đước nuôi sống một số dân sống bằng nghề đốt đước làm than”.

Trên núi Dinh có nhiều hang động, như hang Mai, hang Tổ, hang Dơi, và nhiều con suối như Rạch Váng, suối Hương, suối Ngọt... Trong đó suối Tiên, suối Đá có phong cảnh hữu tình, nhiều du khách gần xa thích đến đây thưởng lãm.

Nguồn gốc của suối Tiên gắn với một câu chuyện ly kỳ: “Xưa Núi Dinh còn hoang vu, cây cối rậm rạp, có nhiều loài thú sinh sống. Trên núi có nhiều hang động, nhiều con suối nước chảy róc rách ngày đêm. Có một thầy thuốc Nam thường lên núi Dinh cùng bảy cô con gái tìm cây thuốc về trị bệnh giúp người nghèo khổ. Một ngày nọ thầy bận việc nhà nên chỉ bảy người con lên hái thuốc. Chiều về, sau một ngày làm lụng mỏi mệt, nóng bức nên bảy chị em rủ nhau xuống suối tắm. Bất ngờ trời đổ mưa, nước từ trên triền núi tràn về thành cơn lũ cuốn trôi một cô. Sáu chị em còn lại thấy thế vội vàng lao xuống dòng nước đang chảy xiết để cứu, nhưng dòng nước quá mạnh, đã nhấn chìm cả bảy chị em theo dòng nước xiết. Trời xẩm tối, người cha không thấy các con trở về, ông lần theo dấu vết lên núi tìm con. Tìm mãi không thấy các con đâu, mà chỉ thấy một đàn bướm nhiều màu sắc, sặc sỡ vây quanh quấn lấy chân ông. Ông lần theo hướng bay của đàn bướm, đến bên bờ suối thì thấy quần áo, giày dép và các giỏ thuốc của bảy người con gái của mình. Dưới dòng suối, nước đang cuồn cuộn chảy, thi thoảng có hơi nước mát lạnh bay lên với hương thơm kỳ lạ. Ba ngày sau, ông và người thân tìm được xác của bảy cô gái nằm rãi rác bên dòng suối. Sau 49 ngày, tại nơi có xác các cô gái trước đây nổi lên bảy hòn đá to, mặt phẳng lỳ và thường có những đàn bướm màu sắc rực rỡ đến đậu. Dân làng cho là có điều thiêng nên mới đặt là suối Tiên.

Cũng có truyền thuyết kể rằng, những nàng tiên nhà trời thường rủ nhau xuống tắm mát trước khi dự hội trăng rằm. Vì quá mải mê cảnh đẹp núi non, phong cảnh hữu tình mà quên bay về trời. Các nàng tiên thường chạy nhảy vui đùa trên những phiến đá, để lại dấu chân in trên đá. Suối ấy sau này gọi là suối Tiên.

Đầu thế kỷ XX, núi Dinh còn là rừng nguyên sinh với nhiều loại động vật quý hiếm như voi, cọp, gấu, lợn lòi, hươu, nai… Người dân Long Hương đến nay vẫn lưu truyền câu chuyện về loài chúa sơn lâm một thời làm người dân khiếp sợ.

Trước kia ở làng Long Hương có rất nhiều cọp, vì làng này ở gần rừng lại thưa thớt dân cư. Cọp thường lởn vởn vào xóm bắt trâu bò, đôi khi vồ chết cả người. Dân làng sợ nhất là con cọp một mắt, đã to lớn lại hung hăng vô cùng. Viên quan cai trị địa phương liền treo giải thưởng cho ai trừ được cọp một mắt.

Một ông Đốc học, nổi tiếng là tay thiện xạ của vùng này, liền bố trí để hạ cọp tại một vườn mía. Với cây súng hai nòng, ông Đốc học đinh ninh rằng sẽ hạ cọp một mắt dễ dàng, huống chi hiệp sức với ông còn có một toán lính bắn giỏi. Trưa hôm đó, ông Đốc nhử được cọp vào vườn mía, vòng vây vừa siết lại, cây súng trên tay ông lườm lườm chĩa vào những lá mía động đậy, đợi cọp nhô ra là nhả đạn. Bất ngờ, con cọp một mắt nhảy sổ đến bên ông, gầm lên dữ dội rồi xông vào vồ ông. Ông Đốc học chỉ bắn được một phát thì bị vồ ngã ngửa và bị cào nát một chân. Lúc mọi người đổ xô đến tiếp cứu thì cọp một mắt đã chạy mất vào rừng, ông Đốc bất tỉnh nhân sự. Cái chân của ông phải điều trị mấy tháng mới lành, tuy vậy phải chịu tật cà thọt.

Từ đó con cọp một mắt càng lộng hành, không ngày nào nó không về làng bắt trâu bò, có bữa nó ra tận đường cái rượt người qua lại, hoặc chui vào vườn mía lượm nón lá đội lên đầu ngồi im một chỗ gạt người đến gần vồ chết. Không dùng sức mạnh trừ được cọp một mắt, Ban Hội Tề làng Long Hương nghĩ cách phong cho cọp làm thần. Trên con đường mòn đi vào núi đất liền thấy xuất hiện một cái miễu có dán một tờ sắc phong bằng giấy hồng đơn.

Từ khi được phong làm thần, cọp một mắt không còn lai vãng về làng quấy phá dân cư nữa. Đến sau, mỗi đêm thanh vắng người ta thấy cọp một mắt mon men đến gần chùa ở triền để nghe tiếng chuông kinh kệ.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, núi Dinh là căn cứ địa cách mạng vững chắc, vì thế tháng 12 năm 1993 Bộ Văn hóa - Thông tin đã công nhận Khu Căn cứ Cách mạng núi Dinh là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia…

Ngẫm về những câu từ trong diễn văn nhậm chức của bà Drew Faust, Hiệu trưởng Trường Đại học Harvard, cho ta biết rằng bốn năm học đại học là thời gian để chúng ta trả lời câu hỏi “Ta là ai, ta từ đâu đến và sẽ đi về đâu?”. Nói một cách văn hoa, bản chất con người là tìm kiếm ý nghĩa của sự sinh tồn, và câu hỏi quan trọng nhất là câu hỏi về căn cước cá nhân, căn cước dân tộc của mình. Cái gì đã khiến chúng ta trở thành một cá nhân độc đáo, một thực thể không lặp lại, không thể nhân bản hay thay thế? Cái gì đã gắn chúng ta với dân tộc, đất nước, quê hương, tổ quốc? Và là một người Việt Nam thì có ý nghĩa như thế nào?

Hiểu về sông Dinh để biết thêm quê hương, đất nước; nhớ về tổ tiên, ông bà, cha mẹ - những người đã truyền cho ta niềm tin vào giá trị cốt lõi của học vấn và sự sẻ chia, là những người con lớn lên bên bờ tre, ruộng lúa, khát khao được học hành và thay đổi số phận... 

Huỳnh Tới

Xứ Mô Xoài, tháng 08/2019