Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Giải mật chính trường miền Nam sau đảo chính Ngô Đình Diệm

  • 26/04/2025
  • 9


Năm 1963 là một trong những bước ngoặt lớn trong lịch sử Việt Nam và có tác động không nhỏ tới địa chính trị thế giới trong nửa sau của thế kỷ 20.

Năm 1963, phong trào đấu tranh của Phật giáo cùng nhiều tầng lớp nhân dân chống chính quyền Ngô Đình Diệm dâng cao ở miền Nam Việt Nam. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng trong nội bộ chính quyền Sài Gòn cũng tăng lên đỉnh điểm với sự bất mãn của một bộ phận tướng lĩnh chủ chốt trong quân đội Sài Gòn. Lúc này quan hệ Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm cũng bắt đầu rạn nứt bởi những bất đồng về vấn đề chính trị ở miền Nam Việt Nam. Trong khi đó, chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn không đáp ứng được những đề xuất cải cách từ phía Mỹ. Trước áp lực của dư luận quốc tế cũng như trong nội bộ nước Mỹ, Tổng thống Kennedy và các quan chức dưới quyền đã quyết định bật đèn xanh để nhóm tướng lĩnh Sài Gòn tiến hành đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm vào ngày 01 tháng 11 năm 1963.

Sau khi chính phủ Sài Gòn của Ngô Đình Diệm bị lật đổ, miền Nam Việt Nam rơi vào một thời kỳ hỗn loạn, hỗn quân, hỗn quan, các chính phủ quân sự, dân sự thay đổi liên hồi. Trong vòng 4 năm từ cuộc đảo chính năm 1963 - 1967 chiến trường miền Nam đã trải qua 4 chính phủ Nguyễn Khánh (quân đội), Trần Văn Hương (dân sự), Phan Huy Quát (dân sự) và Nguyễn Cao Kỳ (quân đội). “Hôm nay là bạn, mai là thù” là chuyện bình thường trong tranh giành quyền lực tại miền Nam vừa bi vừa hai được thể hiện sinh động qua tác phẩm “Giải mật chính trường miền Nam sau đảo chính Ngô Đình Diệm” của nhà báo Nông Huyền Sơn.

Bằng sự hiểu biết sâu sắc, ngồi bút sắc bén, nhà báo Nông Huyền Sơn đã có những miêu tả chi tiết về chính trường miền Nam trong giai đoạn này với những tình tiết hấp dẫn, phong phú và nhiều thông tin thú vị. Bên cạnh đó, từng gương mặt tướng lĩnh như Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh, Trần Thiện Khiêm, Đỗ Mậu, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ lẫn nhân vật cộm cán như Trần Văn Hương, Phan Huy Quát đã được tác giả lột tả một cách chân thực trong tác phẩm này.

Dưới góc nhìn của tác giả, cuốn sách không chỉ đơn thuần thuật lại các sự kiện chính trị bề nổi mà còn đi sâu vào phân tích cấu trúc quyền lực, sự tương tác giữa các phe phái và vai trò của các cá nhân chủ chốt trong bối cảnh chính trị hậu đảo chính. Sự ra đi đột ngột của anh em Ngô Đình Diệm đã tạo ra một khoảng trống quyền lực lớn, mở đường cho một loạt các cuộc đấu đá nội bộ, các cuộc chỉnh lý và đảo chính quân sự liên tiếp, đẩy miền Nam vào một vòng xoáy bất ổn triền miên. Tác giả tập trung làm rõ nguyên nhân sâu xa của tình trạng này, từ những mâu thuẫn âm ỉ trong nội bộ chính quyền trước đó đến những toan tính và tham vọng cá nhân của các tướng lĩnh và chính trị gia sau đảo chính.

Cuốn sách dành một phần để phân tích vai trò và sự can thiệp ngày càng sâu rộng của Hoa Kỳ vào chính trường miền Nam sau năm 1963. Từ việc ủng hộ cuộc đảo chính ban đầu, đến việc cố gắng định hướng và kiểm soát tình hình chính trị, Washington đã đóng một vai trò không thể phủ nhận trong việc định hình cục diện miền Nam. Bên cạnh đó, là sự trỗi dậy và hoạt động của các lực lượng chính trị, tôn giáo khác nhau ở miền Nam sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ.

Không thể bỏ qua trong cuốn sách của Nông Huyền Sơn là sự phân tích về sự lớn mạnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong bối cảnh chính trị bất ổn ở các đô thị. Sự rối loạn và suy yếu của chính quyền miền Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho Mặt trận mở rộng vùng kiểm soát ở nông thôn và tăng cường các hoạt động vũ trang.

Với cách tiếp cận vấn đề một cách hệ thống, phân tích sâu sắc các mối quan hệ và sử dụng ngôn ngữ mạch lạc, dễ hiểu cuốn sách trở thành một tài liệu tham khảo giá trị cho cả giới học thuật và cộng đồng.

Cuốn sách Giải Mật Chính Trường Miền Nam Sau Đảo Chính Ngô Đình Diệm của nhà báo Nông Huyền Sơn hứa hẹn là một đóng góp quan trọng vào việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam hiện đại. Nó không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về một giai đoạn phức tạp và đầy hệ lụy mà còn có thể mang lại những bài học quý giá về sự ổn định chính trị, vai trò của các thế lực bên ngoài, và tầm quan trọng của sự đoàn kết dân tộc. Đây chắc chắn là một cuốn sách đáng được chờ đợi và đọc kỹ đối với những ai muốn có một cái nhìn sâu sắc và toàn diện về lịch sử miền Nam Việt Nam sau năm 1963.

Kim Yến

Phòng Nghiệp vụ Thư viện

  • Minh Thư (Vietnam+)