Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

“NHÂN VẬT & SỰ KIỆN” - TẬP KÝ ỨC HÀO HÙNG CỦA ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN BÀ RỊA – VŨNG TÀU

  • 02/03/2023
  • 1623


Cuốn sách “NHÂN VẬT & SỰ KIỆN” của Hội Người tù Kháng chiến (NTKC) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) thật đồ sộ, hơn ngàn trang (1.193 trang), cầm nặng tay, đáng ghi vào kỷ lục sách của tỉnh BR-VT. Sách gồm 03 phần: 

- Phần thứ nhất: Hội NTKC tỉnh BR-VT: Quá trình ra đời, hoạt động (64 trang); 

- Phần thứ hai: Tổng quan về nhà tù, trại giam, trung tâm thẩm vấn và quá trình đấu tranh của tù chính trị trong nhà tù Mỹ - ngụy; Hội NTKC các huyện, thị, thành phố (665 trang);

- Phần thứ 3: Ký ức cựu tù chính trị (450 trang). 

Đọc hơn 700 trang sách, từ Phần thứ nhất qua Phần thứ hai có thể thấy diện mạo Hội NTKC tỉnh BR-VT từ khi ra đời và hoạt động cho đến nay, trong đó có chân dung những người sáng lập như Phan Xuân Thanh, Nguyễn Ngọc Sớm, đến lớp người kế tục như Nguyễn Văn Trí, Võ Văn Giáo, và người lãnh đạo Hội hiện nay như Nguyễn Thị Mỹ, Nguyễn Văn Bình cùng gần một ngàn gương mặt hội viên hiện hữu. Đây là một tổ chức chính trị - xã hội đặc thù, từ 49 hội viên năm 1989, nhờ nỗ lực tập hợp mà tăng lên 2.636 (năm 2002), vì nghiệt ngã của thời gian mà giảm dần, còn 981 (năm 2018), đến thời điểm thực hiện cuốn sách, 543 hội viên hiện hữu đã được tập hợp với những dòng tiểu sử tóm tắt. Nếu Hội dày công tập hợp đủ danh sách, trích yếu của hàng ngàn người đã ra đi trước đó thì cuốn sách sẽ còn dày dặn và nặng tay gấp nhiều lần. 

Thêm mỗi năm, số hội viên thêm vơi dần, rồi đến một ngày nào đó, Hội NTKC chỉ còn trong ký ức. Đến ngày đó, Tập Kỷ yếu này sẽ thay mặt NTKC đối thoại với các thế hệ sau, bằng tinh hoa của một thế hệ anh hùng, với những ký ức hào hùng đã được ghi nhận. Đó chính là giá trị của Tập Kỷ yếu "NHÂN VẬT & SỰ KIỆN" mà chúng ta đang cầm trên tay. Tôi xin chia sẻ cùng quý vị về những giá trị tinh hoa lắng đọng trong Phần thứ 3: Phần viết về Ký ức của các Cựu tù Chính trị với 368 nhân vật và sự kiện tiêu biểu. 

Từ những trang đầu của Phần thứ 3, đã hiện lên ký ức của thế hệ cách mạng tiền bối. Đó là Dương Bạch Mai, người cộng sản đầu tiên ở Bà Rịa, bị giặc bắt đày ra Côn Đảo. Mãn hạn tù, ông hoạt động trong phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939), rồi về lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945 ở Bà Rịa và Vũng Tàu. 

Đó là Trần Xuân Độ, người trưởng thành về lý luận từ Nhà tù Côn Đảo, được Xứ ủy Nam bộ cử về BR-VT sau ngày tổng khởi nghĩa. Ông chỉ đạo xây dựng Đảng bộ, Chính quyền, Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc. Ông là người cộng sản kiên cường, đức độ, là tấm gương mẫu mực, giáo dục đạo đức cách mạng cho các cấp Quân – Dân – Chính – Đảng ở địa phương. 

Đó là Nguyễn Kế Hoa, người được Trần Xuân Độ xin Xứ ủy tăng cường về, làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời. Khi bị bắt, ông đã lãnh đạo một cuộc bạo động trong Nhà tù Côn Đảo, chiếm tàu địch, bắt lính gác, trói giám thị, chiếm tàu địch, đưa 57 Tù Chính trị trở về vùng giải phóng tham gia kháng chiến.  

Kế tục thế hệ tiền bối, các tầng lớp nhân dân BR-VT cầm súng kháng chiến, nhiều người bị giặc bắt, tra tấn, tù đày đã hiên ngang trước quân thù, trước cái chết. Nhiều người đã được truy tặng danh hiệu AHLLVTND như Dương Văn Mạnh, Lê Thành Duy, Võ Thị Sáu, Trần Thị Thanh (Nguyễn Thị Hoa), Cao Văn Ngọc, Lưu Chí Hiếu, cùng với danh hiệu AHLLVTND Tập thể Tù Chính trị Côn Đảo với những ngôi sao sáng trong tù như Nguyễn Đức Thuận, Phan Trọng Bình, Phạm Quốc Sắc, Nguyễn Minh, Lê Văn Một… Đó là những trang sử chân thực, xúc động, vẻ vang, hào hùng của Đảng bộ và nhân dân BR-VT.

Thành công tập sách này, trước hết thuộc về sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh BR-VT. Trước khi phê duyệt Đề án Biên tập và Xuất bản cuốn "NHÂN VẬT & SỰ KIỆN", Tỉnh ủy BR-VT đã chỉ đạo đầu tư nghiên cứu biên soạn bộ Lịch sử Nhà tù Côn Đảo, chỉ đạo biên soạn Thành tích của Tập thể Tù Chính trị Côn Đảo và Những Ngôi sao sáng trong Nhà tù Côn Đảo đề nghị phong tặng và truy tặng danh hiệu AHLLVTND. Những thành tựu đó đã được tích hợp trong sách này.

Liệt sỹ Cao Văn Ngọc là người đầu tiên được tuyên dương danh hiệu AHLLVTND về thành tích đấu tranh trong Nhà tù Côn Đảo. Ông Cao Văn Ngọc sinh ngày 16-06-1897 tại làng An Ngãi, quận Long Điền, nay là xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh BR-VT. Xuất thân là nông dân, từng làm hương quản, giác ngộ từ Cách mạng tháng Tám 1945 rồi tham gia kháng chiến. Ông bị bắt ngày 28-09-1956, bị đày ra Côn Đảo và hy sinh đêm 27-03-1961 tại Chuồng Cọp. Chức vụ cao nhất mà ông từng đảm nhiệm chỉ là Thư ký Hội Nông dân cứu quốc xã, nhưng khí phách của ông đã vượt xa nhiều người cùng thời. Nổi danh là Ông già Bà Rịa, Ông già Chuồng Cọp, ông được tôn vinh là ngôi sao sáng nhất trong cuộc đấu tranh chống ly khai cộng sản trong nhà tù.  

Đọc những sự tích anh hùng của ông, ai cũng trầm trồ kính phục, nhưng danh hiệu anh hùng thì xét theo quy chế, xem có phải là bộ đội không, có phải là du kích không, có bắn súng không, có ném lựu đạn không, có giết được thằng Tây, thằng Mỹ nào không... mà ông chưa từng là như vậy. Thời điểm đó, khái niệm đấu tranh trong tù chưa có trong nhận thức của Đảng và Nhà nước, chưa có trong Quy chế xét phong danh hiệu AHLLVTND. Sau 6 năm kiên trì thuyết phục, các cơ quan chức năng mới nhận thức rõ phẩm chất anh hùng không thể sánh bằng việc bắn súng, ném lựu đạn hay đếm xác quân thù. Đến dịp kỷ niệm 53 năm Cách mạng tháng Tám - 1945 và Quốc khánh 2-9 (1998), Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký quyết định truy tặng danh hiệu AHLLVTND cho Liệt sỹ Cao Văn Ngọc. 

Nghe chuyện Ông già Chuồng Cọp Cao Văn Ngọc được truy tặng danh hiệu cao quý: AHLLVTND, Nhạc sỹ Hoàng Hà đã thức trọn đêm, gác lại bản giao hưởng hợp xướng mang tên “Côn Đảo” để viết ca khúc Cao Văn Ngọc sống mãi cùng non sông, kịp dâng tặng dân làng An Ngãi trong dịp đón nhận danh hiệu Anh hùng Cao Văn Ngọc: “Một ông già nông dân bình dị, Một vì sao chân lý sáng ngời, Tuổi ngoài sáu mươi, Giữa ác liệt lao tù Côn Đảo, Chốn địa ngục trần gian... Từng lời sắt son, “Không ly khai, Không đầu hàng, Không khuất phục, Vững vàng một ý chí, Rực sáng một trái tim, Sừng sững một nhân cách Việt Nam phi thường”. Ca khúc “Cao Văn Ngọc sống mãi cùng non sông” được in ở cuối sách này đã vang lên trong buổi lễ đón nhận danh hiệu AHLLVTND tại quê hương ông, sưởi ấm hương hồn ông, vang vọng trong các thế hệ Tù Chính trị Côn Đảo.

 Một danh hiệu cao quý cho hơn hai vạn người đã ngã xuống ở nhà ngục này thật là chưa tương xứng, nhưng ý nghĩa lớn lao của sự kiện này chính là sự mở đầu: Mở đầu cho một quan niệm mới trong cách nhìn về vấn đề người tù của Đảng và Nhà nước. Bộ Chính trị Trung ương đã giao cho Bộ Quốc phòng và Viện Thi đua Khen thưởng xem xét tất cả các trường hợp, các tập thể và cá nhân trước đây không thuộc LLVTND, kể cả những người bị bắt, bị tù. 

Bước đột phá thứ 2 là trường hợp Lưu Chí Hiếu. Cùng với ông Cao Văn Ngọc, Lưu Chí Hiếu được tôn vinh là “NHỮNG NGÔI SAO SÁNG NHẤT”. Ông Cao Văn Ngọc đã được tỉnh BR-VT đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng, còn Lưu Chí Hiếu thì chưa có địa phương, đơn vị “chính danh” đề nghị. Lưu Chí Hiếu quê ở Nam Định, ra Hải Phòng làm thợ, lên Hà Nội, rồi vào Sài Gòn, tham gia giành chính quyền, trở thành chiến sĩ Biệt động, rồi làm cán bộ công vận Quận ủy Quận 2 sau ngày đình chiến. Quận 2 sau sáp nhập vào Quận I. Lớp cán bộ hiện thời ở Quận ủy Quận I không ai biết để xác nhận hồ sơ.   

Sau một quá trình vận động, Bí thư Huyện ủy Côn Đảo Hứa Phước Ninh lãnh trách nhiệm, đứng tên đề nghị truy tặng danh hiệu AHLLVTND cho Liệt sĩ Lưu Chí Hiếu, với lý do chính đáng là thế hệ Tù Chính trị thời ấy đã noi gương Lưu Chí Hiếu mà tranh đấu, thành lập Đảng bộ mang tên ông, Đảng bộ Lưu Chí Hiếu là hạt nhân hình thành Đảo ủy lâm thời, là tiền thân của Đảng bộ huyện Côn Đảo ngày nay. Cuộc đột phá lần thứ 2 kéo dài tới… 12 năm, gấp 2 lần hành trình đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng cho Liệt sĩ Cao Văn Ngọc.  

Xét phong tặng danh hiệu AHLLVTND cho tập thể khó hơn. Tù Chính trị không thuộc phiên hiệu lực lượng vũ trang nhân dân. Ngay cả những đơn vị LLVT đã giải thể, không còn phiên hiệu thì cũng không đưa vào diện xét. Viện Thi đua – Khen thưởng Nhà nước không nhận hồ sơ, và gợi ý, việc này phải có ý kiến của Ban Bí thư, Bộ Chính trị.

Để tháo gỡ bế tắc, anh Ba Khánh (Trần Văn Khánh) trong cương vị Thường trực Tỉnh ủy đã quyết định thành lập một tổ công tác gồm có tôi (Nguyễn Đình Thống) là cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, anh Hai Hòa (Huỳnh Thiện Hòa), Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo và mời ông Đoàn Duy Thành, Trưởng ban Liên lạc Tù Chính trị Côn Đảo thành phố Hà Nội tham gia.  Ông Đoàn Duy Thành từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng, có mối quan hệ rộng, ông thiết kế một buổi làm việc với Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng. 

Ông Đào Duy Tùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tiếp tổ công tác, trao đổi khá cởi mở, qua đó, ông ngộ ra nhiều điều. Ông thống nhất một số quan điểm cơ bản do tổ công tác trình bày: Rằng cần phải xét khen thưởng thành tích kháng chiến cho những người tù chính trị bao gồm cả thời gian hoạt động và tranh đấu trong tù; thành tích đến đâu thì khen thưởng mức đó, không loại trừ danh hiệu cao nhất cho những người có thành tích đặc biệt xuất sắc. Người tù chính trị xứng đáng được nhận danh hiệu AHLLVTND, vì cuộc kháng chiến của chúng ta là kháng chiến toàn dân, là chiến tranh nhân dân; Người tù chính trị đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, thành mặt trận đấu tranh trong những điều kiện hết sức đặt biệt, đã thể hiện xuất sắc trí thông minh, lòng can đảm, chủ nghĩa anh hùng. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng Bí thư Lê Duẩn đánh giá cao. Sau buổi làm việc, ông Đào Duy Tùng đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng và Viện Thi đua Khen thưởng Nhà nước tiếp nhận hồ sơ, xem xét và chấp nhận đề nghị của tỉnh BR-VT.  Qua nhiều bước xét duyệt, củng cố hồ sơ, thêm nhiều năm chờ đợi, Tập thể Tù Chính trị Côn Đảo các thời kỳ cùng với những cá nhân tiêu biểu đã được phong tặng, truy tặng danh hiệu AHLLVTND năm 2012.

Có một trục trặc nhỏ. Ngoài ông Nguyễn Đức Thuận đã được Tổng Liên đoàn Lao động đề nghị tuyên dương danh hiệu Anh hùng trước đó, các ông Phạm Quốc Sắc, Nguyễn Minh, Lê Văn Một được truy tặng danh hiệu Anh hùng cùng với danh hiệu Anh hùng tập thể. Riêng trường hợp ông Phan Trọng Bình bị gác lại, với lý do là ông còn đang sống, phải chờ “cái quan định luận”.

Anh Ba Sanh (Trần Minh Sanh), Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT khi đó đã trao đổi với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đề nghị chưa vội tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng, để tập trung làm một chiến dịch vận động trình ký sắc phong cho ông Phan Trọng Bình ngay khi ông còn sống. Việc ấy phải trải qua một số thủ tục cần thiết song đã suôn sẻ. Lễ đón nhận danh hiệu AHLLVTND Tập thể Tù Chính trị Côn Đảo và NĂM NGÔI SAO SÁNG được tổ chức trọng thể.

Tấm gương của các anh hùng trên mặt trận nhà tù như Cao Văn Ngọc, Lưu Chí Hiếu và NĂM NGÔI SAO SÁNG ở Nhà tù Côn Đảo đã tạc một tượng đài anh hùng về khí phách, kết tinh phẩm chất kiên cường của các thế hệ Tù Chính trị Côn Đảo trong hơn một thế kỷ đấu tranh vì Độc lập, Tự do và Chủ nghĩa xã hội, để Côn Đảo lưu danh trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam như một hòn đảo anh hùng, một di tích lịch sử vĩ đại, một trường học lớn đối với các thế hệ mai sau. 

TÁM KINH NGHIỆM CHIẾN ĐẤU CỦA NĂM ANH được Nguyễn Đức Thuận, Phan Trọng Bình tổng kết đã trở thành bài học nằm lòng cho những người tù chính trị từng vấp ngã đấu tranh vươn lên khôi phục vị trí bảo vệ khí tiết; là ngọn đuốc soi đường cho các thế hệ em cháu sau này bị đày ra Côn Đảo noi theo, như Võ Văn Giáo, Châu Văn Mẫn đang hiện diện tại đây. Trường hợp Châu Văn Mẫn là một ví dụ sinh động. Châu Văn Mẫn sau này được phong tướng, được phong danh hiệu Anh hùng, không phải vì thành tích đặc biệt xuất sắc trong tù. 

Châu Văn Mẫn bị đày ra Côn Đảo vào cuối mùa của nhà tù này, khi ấy, Tù Chính trị Côn Đảo đã vững vàng trên thế trận bảo vệ khí tiết, đã có tổ chức, có nền nếp sinh hoạt và truyền thống đấu tranh, với NGỌN CỜ KHÍ TIẾT tỏa sáng từ Cao Văn Ngọc, Lưu Chí Hiếu và TÁM KINH NGHIỆM CHIẾN ĐẤU CỦA NĂM ANH. Châu Văn Mẫn khi đó là một thanh niên hăng hái, được các chú, các anh sai bảo vài việc vặt. Cho đến ngày giải phóng (1975), Châu Văn Mẫn mới là một anh lính bồng súng gác cổng ở Ban An ninh Côn Đảo, rồi tập đánh máy, thành nhân viên đánh máy (sđd, tr.924),   từ đó trưởng thành, được phong tướng, phong anh hùng. Việc phong tướng, phong anh hùng của Châu Văn Mẫn không phải từ thành tích đặc biệt xuất sắc trong tù mà là việc anh làm gì đó, ở đâu đó. Có chăng là anh đã học hỏi được nhiều điều từ các bậc cha chú ở trong tù.

*

Tôi muốn nói thêm về những con người thật sự anh hùng, hàng trăm lần anh hùng mà chưa có sắc phong. Đó là câu chuyện về ÔNG HAI XÓM VỊT trong tập sách này. Ông là cán bộ Nông hội xã An Ngãi, bị giặc bắt trong thời kỳ tố cộng diệt cộng khốc liệt nhất. Giặc đánh ông chết đi, sống lại, ông không khai. Giặc chất lửa đốt cháy chân tay, ông vẫn không khai một lời. Chúng cột ông vào xe Zeep, kéo lê ông từ Xóm Vịt về bàu Ông Vân. Máu ông thấm đỏ đường làng. Thịt ông tan vào từng tấc đất. Dân An Ngãi thời đó coi ông là người anh hùng của làng mình. Vậy mà đến khi xã có danh hiệu anh hùng, huyện có danh hiệu anh hùng, dân trong xã, trong huyện không ai biết ÔNG HAI XÓM VỊT… Ông Ba Trí khi làm Chủ tịch Hội Tù Chính trị đã cùng tôi đi tìm tư liệu, nhân chứng, viết thành tích về ông, đề nghị truy tặng danh hiệu AHLLVTND, song những nhân chứng biết ông, chứng kiến hành động anh hùng của ông đều đã qua đời, không còn ai để xác nhận. Việc không thành. Chuyện về ông được chép lại trong sách này chỉ là truyền miệng từ những người được nghe kể lại với một lòng khâm phục, kính trọng, tôn vinh ông như một người anh hùng thật sự của làng An Ngãi. 

Thời học trung học, chúng tôi được đọc “Những lá thư từ tuyến đầu Tổ quốc, trong đó có truyện ngắn “Gieo mầm” của Nguyễn Thiều Nam, bút danh của nhà văn Xuân Thiều (in ở sách Phụ lục Trích giảng văn học), viết về cái chết của một người cộng sản đã “gieo mầm” cho phong trào cách mạng ở một địa phương. Chuyện kể về một người cán bộ bị giặc bắt. Tên Quận trưởng là bạn học, tự tay tra tấn, khảo cung. Hắn yêu cầu anh khai ra những mầm mống cộng sản mà anh đã tuyên truyền, vì hắn biết chắc anh là người cộng sản cuối cùng ở huyện này đã bị bắt. Anh chịu đựng nhiều trận đòn thù, chết đi sống lại, không kêu rên, không khai một lời. Bất lực, tên Quận trưởng tuyên bố rằng nếu không khai, anh phải chết. Vì tình bạn, hắn cho anh chọn một trong ba cái chết:

- Thứ nhất là lãnh một viên đạn, “bòm” một phát là xong. Rất nhẹ nhàng;

- Thứ hai là lãnh một lưỡi gươm, “pắc” một cái là xong. Dễ dàng thôi;

- Cách thứ ba là, tự tay hắn sẽ cột anh vào một chiếc xe, kéo anh đi khắp các con đường làng trong huyện.

Anh chấp nhận cái chết, và chọn cách chết thứ 3 trước sự kinh ngạc tột cùng của kẻ thù. Anh muốn được chết trên chính con đường mà mình đang đi, bằng cái chết đau đớn nhất của mình để phơi bày tội ác của giặc, để gieo mầm cộng sản.

Tên Quận trưởng y lời. Hắn muốn răn đe, khủng bố tinh thần, khiến dân chúng khiếp sợ. Quận trưởng cho đánh trống, khua chiêng, sai tề xã bắt dân ra coi hành hình cộng sản. Người cộng sản bị cột vào sau xe, thân xác anh bị kéo lê kéo lết trên con đường đẫm máu, từng làn da thớ thịt anh găm vào đá sỏi đường làng. 

Người dân không khiếp sợ, lòng căm thù trào sôi, vượt lên trên đau thương và sợ hãi. Có một người phụ nữ bé nhỏ, mảnh mai, đầm đìa nước mắt theo sau chiếc xe, lặng lẽ gỡ từng mẩu thịt xương anh vương vãi đưa về chôn cất. Rồi chị đào bới, tìm kiếm khẩu súng mà anh chôn giấu trong vườn, cùng dân làng nổi dậy Đồng khởi và chuyển lên đấu tranh vũ trang. Người phụ nữ bé nhỏ, mảnh mai, vốn nhút nhát ấy trở thành hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương.

Truyện “Gieo mầm” của Xuân Thiều ám ảnh tôi suốt một thời niên thiếu. Chúng tôi bỏ học, rủ nhau viết đơn tình nguyện nhập ngũ, xung phong vào chiến trường khi chưa đủ tuổi, chưa đủ cân, rất hào hứng khi được cầm súng, lên đường xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ. Tôi chưa có dịp gặp Xuân Thiều để hỏi xem anh viết Truyện “Gieo mầm” từ nguyên mẫu nào, nhưng khi về BR-VT, theo ông Ba Trí, ông Hai Linh về viết lịch sử làng An Ngãi, viết thành tích phong tặng danh hiệu AHLLVTND cho Đảng bộ và nhân dân xã An Ngãi, nghe câu chuyện về ÔNG HAI XÓM VỊT, tôi đã gặp được nguyên mẫu trong câu chuyện này. Xã An Ngãi là xã Anh hùng. Ông già Cao Văn Ngọc một thời là cán bộ Nông hội ở An Ngãi cùng ÔNG HAI XÓM VỊT đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng. ÔNG HAI XÓM VỊT là người anh hùng chưa có sắc phong.

Tấm gương những người tù chính trị anh hùng chưa có sắc phong như ÔNG HAI XÓM VỊT còn nhiều lắm, có thể tìm thấy ngay trong cuốn sách này, như là chị Trần Thị Tuyết, nữ giao liên quê ở Hòa Long; chị Trương Thị Tuyết Dung, nữ y tá của xã Hòa Long; chị Võ Thị Mười (Út Mười Một), Bí thư Chi bộ xã Ngãi Giao; chị Hồng Cúc, Khẩu Đội phó Đội Súng cối C41 huyện Châu Đức; chị Nguyễn Thị Kiềm, Xã đội Phú Mỹ; chị Bùi Thị Ba, cán bộ Binh vận huyện Xuyên Mộc; chị Đặng Thị Hồng, nữ cứu thương quê ở xã Hội Mỹ; chị Đỗ Thị Vịnh, cán bộ Phụ nữ xã Long Mỹ về bám trụ xây dựng cơ sở ở Vũng Tàu; chị Hồ Thị Nói, cơ sở cách mạng ở Vũng Tàu; chị Lê Thị Ninh, Đoàn viên thanh niên lao động thành phố Vũng Tàu; chị Tạ Lê Vân, chị Minh Phụng ở Đoàn Văn công; chị Mai Thị Phương (Út Na), Giao liên công khai của Sài Gòn – Gia Định,… Những tấm gương kiên cường như vậy không hiếm gặp trong mỗi ký ức của Tù Chính trị, có thể nói không quá lời, đó là những người anh hùng chưa có sắc phong, nhưng khí chất anh hùng, hành động anh hùng của các anh, các chị đã góp phần làm nên nhiều danh hiệu anh hùng ở các xã các huyện, các ngành, các đơn vị anh hùng ở BR-VT.

Tập sách này mang một giá trị đặc biệt của một thế hệ anh hùng, là một di sản tinh thần vô giá của Đảng bộ và nhân dân BR-VT.

Từ diễn đàn giới thiệu sách hôm nay, tôi mong ước mỗi đại biểu hãy đọc kỹ từng trang sách, và lan tỏa những giá trị tinh thần đặc biệt từ cuốn sách này đến cộng đồng, tiếp thu và nhân lên những giá trị kết tinh từ truyền thống, để xây dựng phẩm chất kiên cường trong cuộc sống mới, tạo nên một sức mạnh mới để xây dựng một nền văn hóa mới, con người mới, với lý tưởng vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, nhân ái, nghĩa tình, kiên cường chống lại sự cám dỗ, tha hóa của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bị thoái hóa, biến chất hiện nay.

Tập sách cũng là lời tri ân với các anh hùng liệt sĩ và những Cựu Tù Chính trị đã qua đời. Tôi mong các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể Chính trị - Xã hội quan tâm, chung tay chăm lo thực hiện chính sách với những người tù chính trị hiện thời và thân nhân những người đã khuất, nhất là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vì người thân đã sớm hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc.

TS. Nguyễn Đình Thống

Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh BR-VT