Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Những nhiệm vụ của Thư viện Quốc Gia Việt Nam trong chuyển đổi số của ngành thư viện

  • 28/11/2022
  • 1170

     Kỷ niệm 105 năm Ngày thành lập Thư viện Quốc gia Việt Nam (29/11/1917 - 29/11/2022), Hội thảo “Vị trí, vai trò của Thư viện Quốc gia Việt Nam trong chuyển đổi số ngành Thư viện Việt Nam - Nhiệm vụ và giải pháp” được tổ chức để thảo luận về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Chuyển đổi Số của ngành Thư viện Việt Nam, cũng như nhiệm vụ của Thư viện Quốc gia Việt Nam trong Chuyển đổi Số; vị trí và vai trò của Thư viện Quốc gia Việt Nam trong xây dựng Thư viện Số Quốc gia; xây dựng mục lục liên hợp; xây dựng Thư viện hiện đại; cũng như những vấn đề về chuẩn hóa (tiêu chuẩn dữ liệu, tiêu chuẩn xử lý...), hợp tác, liên kết, chia sẻ tài nguyên thông tin trong và ngoài nước bằng các công cụ hỗ trợ hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ (từ điển từ khóa, chủ đề...) trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế từ các mô hình Thư viện Quốc gia trên thế giới… Từ đó đưa ra những chiến lược, kế hoạch, định hướng phát triển và những đề xuất, kiến nghị, bài học kinh nghiệm, sáng kiến triển khai hiệu quả và những giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả Chuyển đổi Số trong tương lai bằng các  mô hình, các thiết bị và giải pháp công nghệ, quản trị và khai thác tài nguyên từ hoạt động thư viện trong và ngoài nước… Bài viết này trình bày NHỮNG NHIỆM VỤ CỦA THƯ VIỆN QUỐC GIA VIỆT NAM TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ CỦA NGÀNH THƯ VIỆN.

1/ Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Chuyển đổi Số của ngành Thư viện Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định Số 206/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Với mục tiêu chung của chương trình là ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin (CNTT), nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Thư viện và hình thành mạng lưới Thư viện Hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng Dịch vụ Thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập để đến năm 2025:

- 100% Thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư cùng với Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện công cộng cấp tỉnh (sau đây gọi chung là Thư viện có vai trò quan trọng) hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm Thông tin Thư viện theo chức năng, nhiệm vụ, văn bản hợp tác.

- 100% Thư viện có vai trò quan trọng, thư viện công cộng cấp tỉnh, Thư viện Đại học và Thư viện chuyên ngành ở trung ương có Trang Thông tin Điện tử cung cấp dịch vụ trực tuyến, tích hợp với thành phần dữ liệu mở của Hệ Tri thức Việt số hóa; 80% Thư viện chuyên ngành và Thư viện Đại học khác, 60% Thư viện Cơ sở Giáo dục phổ thông, Cơ sở Giáo dục nghề nghiệp và Cơ sở Giáo dục khác có Trang Thông tin Điện tử có khả năng cung cấp Dịch vụ Trực tuyến trên nhiều phương tiện truy cập (trừ các dịch vụ thuộc phạm vi bí mật nhà nước và dịch vụ đọc hạn chế).

- 70% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do các Thư viện có vai trò quan trọng thu thập và quản lý được số hóa; 70% tài liệu nội sinh, các công trình nghiên cứu khoa học do các Thư viện chuyên ngành, Thư viện Đại học thu thập và quản lý được số hóa.

- 100% người làm công tác Thư viện được đào tạo và đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng vận hành Thư viện Hiện đại.

- 60% Thư viện trong cả nước trở lên được kiểm tra, quản lý thông qua hệ thống quản lý thông tin của cơ quan quản lý.

- Định hướng đến năm 2030: Tiếp tục đẩy mạnh Chuyển đổi Số, phát triển Thư viện Số, thực hiện liên thông ở mọi loại hình Thư viện, bảo đảm cung ứng hiệu quả dịch vụ cho người sử dụng Thư viện mọi nơi, mọi lúc.

Chương trình đưa ra 08 (tám) nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền; hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật; hoàn thiện và phát triển hạ tầng số của ngành Thư viện; phát triển dữ liệu số ngành Thư viện; xây dựng và phát triển nền tảng số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Theo đó, ngày 23/05/2022, tại Hà Nội, Vụ Thư viện - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi Số và liên thông Thư viện”. Tại Hội thảo, gần 350 đại biểu thống nhất nhận định: Chuyển đổi Số và liên thông, liên kết, hợp tác, chia sẻ tài nguyên thông tin ở các Thư viện ở nước ta là vấn đề lớn. Trong những năm gần đây đã có những bước đi đầu tiên và kết quả thực tiễn về Chuyển đổi Số và liên thông Thư viện. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đạt mục tiêu đề ra theo “Chương trình Chuyển đổi Số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2022 thì còn nhiều khó khăn.

Với việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi Số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã khẳng định công nghệ số có ý nghĩa, vai trò quyết định trong hiệu quả hoạt động và sự phát triển của ngành Thư viện hiện tại và tương lai. Đây tiếp tục là căn cứ pháp lý quan trọng, cụ thể để định hướng tổ chức hoạt động ngành Thư viện, đồng thời triển khai nhiệm vụ trong giai đoạn 10 năm tới với mục tiêu giúp ngành Thư viện Việt Nam tiếp tục phát triển đồng bộ với các ngành, lĩnh vực trong chủ trương Chuyển đổi Số Quốc gia của Chính phủ.

Chương trình cũng là cơ hội lớn để ngành Thư viện Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh Ứng dụng Khoa học và Công nghệ, tăng tốc Hiện đại hóa Thư viện, tạo sức bật cho giai đoạn mới trong bối cảnh mới với Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời là cơ hội để các Thư viện Việt Nam đẩy mạnh liên kết, chia sẻ, tạo lập và dùng chung sản phẩm và dịch vụ tạo cộng đồng Thư viện lớn mạnh cùng phát triển, do đó ngành Thư viện cần sớm triển khai thực hiện nhiệm vụ mới có thể thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, mục tiêu của Chương trình.

Hội thảo cũng đánh giá thực trạng Chuyển đổi Số và liên thông Thư viện tại các đơn vị về cơ chế chính sách, công tác tham mưu, đề xuất xây dựng kế hoạch, đề án, định hướng…; xác định khó khăn, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân. Nhiều tham luận xác định rõ hơn nguồn lực thư viện (cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, kinh phí, đội ngũ người làm công tác thư viện, …) phục vụ Chuyển đổi Số và liên thông Thư viện, đồng thời đề xuất phương hướng, xác định lộ trình triển khai và mục tiêu thực hiện. Nhiều mô hình, giải pháp tiêu biểu về Chuyển đổi Số và liên thông Thư viện phù hợp với các loại hình Thư viện, kinh nghiệm trong công tác tham mưu xây dựng các kế hoạch, đề án về Chuyển đổi Số và liên thông Thư viện cũng được các chuyên gia, nhà quản lý đến từ 63 tỉnh thành trên cả nước cùng bàn thảo, chia sẻ trong dịp này. 

2/ Những nhiệm vụ của Thư viện Quốc gia Việt Nam trong Chuyển đổi Số của ngành Thư viện


105 năm tồn tại, phát triển và trưởng thành, Thư viện Quốc gia Việt Nam, một thư viện lớn nhất đất nước, trải qua bao thăng trầm trong lịch sử nước nhà với các chế độ chính trị khác nhau, trải qua nhiều lần được thay đổi tên gọi; song có thể khẳng định rằng: Thư viện Quốc gia Việt Nam đã và luôn hoàn thành trọng trách và sứ mệnh lịch sử của mình là tiền đề vô cùng quan trọng để Thư viện Quốc gia Việt Nam làm tròn những nhiệm vụ của mình trong Chuyển đổi Số của ngành Thư viện từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Dưới góc nhìn của người làm công tác văn hoá, chúng tôi thấy rằng, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã có những đóng góp to lớn vào việc xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam. Với nhiệm vụ đặc biệt trong tiếp nhận lưu chiểu văn hoá phẩm trên toàn quốc, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã tiến hành thu thập, tổ chức, tàng trữ và bảo quản được một kho tàng ấn phẩm rất đồ sộ và phong phú với khoảng hơn 2,5 triệu đơn vị tư liệu và 5 triệu trang tư liệu đã được số hóa, trong đó, có sự góp mặt của các bộ sưu tập tư liệu quý từ thế kỷ XVII (5.280 bản Hán Nôm viết tay; 68.500 đơn vị tư liệu Đông Dương, trong đó có 1.700 tên báo - tạp chí...). Thư viện Quốc gia cũng đang lưu giữ  gần 22.000 luận án tiến sĩ của người Việt Nam bảo vệ trong nước và nước ngoài, 680.000 đơn vị tư liệu tương đương gần 1.580.000 bản (bao gồm: sách, báo, tạp chí, các bản mô tả, tranh, nhạc, bản đồ và nhiều loại ấn phẩm đặc biệt khác); gần 500.000 đơn vị tư liệu nước ngoài thông qua trao đổi, nhận biếu tặng từ các Thư viện, các cơ quan Thông tin, các tổ chức, cá nhân nước ngoài và ở Việt Nam; gần 9.000 tên báo - tạp chí trong nước và nước ngoài; 10.000 tên sách xuất bản ở Việt Nam trước năm 1954 do Thư viện Quốc gia Pháp trao tặng dưới dạng microfilm, microfiche. Sách báo, tài liệu truyền thống cũng như hiện đại được bạn đọc trong và ngoài nước khai thác có hiệu quả…, phục vụ cho sự phát triển kinh tế, văn hoá, khoa học, xã hội của đất nước.


Nhìn từ góc độ văn hoá đọc và công chúng, chúng tôi biết được ngay từ những ngày đầu tiên phục vụ người đọc (1919) đến nay, nhiều thế hệ bạn đọc người Việt Nam và người nước ngoài đã sử dụng Thư viện Quốc gia Việt Nam làm nơi sưu tầm và tra cứu tài liệu, vì nơi đây có một “gia tài” tri thức phong phú và đồ sộ nhất nước, bao gồm nhiều lĩnh vực, chuyên ngành từ Khoa học Xã hội đến Khoa học Tự nhiên và nhiều khoa học liên ngành khác, từ sách phổ thông đến sách chuyên khảo bằng nhiều thứ tiếng thông dụng trên thế giới như Anh, Pháp, Nga, Đức, Ý, Hoa, Latinh... Từ năm 2002 đến nay, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã duy trì và tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam với nhiều cách làm phong phú, đổi mới và hiệu quả, thu hút hàng ngàn bạn đọc tham gia, góp phần tôn vinh Văn hóa đọc ở nước ta. Thư viện Quốc gia Việt Nam cũng thường xuyên duy trì nhiều triển lãm - trưng bày, giới thiệu sách về các sự kiện kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội của đất nước, của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch… Nhiều thế hệ bạn đọc ở Việt Nam chắc chắn không thể nào quên những thế hệ thủ thư, cán bộ Thư viện đã rất tận tình, giúp đỡ, làm nhịp cầu tri âm, kết nối bạn đọc với kho tàng tri thức của nhân loại. Những chỉ số về lượt bạn đọc, lượt tài liệu; về số lượng Thẻ Thư viện được cấp, lượt truy cập tài nguyên thông tin, lượt sách báo luân chuyển, số phòng phục vụ… ngày càng tăng ở Thư viện Quốc gia Việt Nam trong thời gian qua đã khẳng định: Nhu cầu đọc là một nhu cầu có thật – Hứng thú đọc thể hiện qua nhiều đối tượng đọc khác nhau và Văn hoá đọc ở Việt Nam đang được duy trì và không ngừng phát triển, bất chấp sự lấn át của Văn hoá nghe nhìn và Truyền thông đại chúng…

Là một người có trình độ chuyên môn Thư viện, chúng tôi nhìn nhận 105 năm qua, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã thực thi nhiệm vụ Thư viện hàng đầu trong hệ thống Thư viện Công cộng Việt Nam và đóng vai trò của một Thư viện Trung tâm của đất nước. Là trung tâm hợp tác và phối hợp hoạt động giữa các Thư viện trong nước, Thư viện Quốc gia Việt Nam có mối quan hệ mật thiết với 63 Thư viện cấp tỉnh, hàng trăm Thư viện Trung tâm Văn hóa cấp huyện và rất nhiều Thư viện chuyên ngành và đa ngành lớn ở Việt Nam. Để hướng dẫn nghiệp vụ cho hệ thống Thư viện công cộng và các hệ thống thư viện khác, hàng năm Thư viện Quốc gia Việt Nam đã biên soạn các tài liệu nghiệp vụ, Thư mục Quốc gia, Thư mục chuyên đề, xuất bản Tạp chí Thư viện; tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, hội thi trong nước, tham dự nhiều hội thảo khoa học của khu vực và quốc tế về lĩnh vực Thư viện. Hàng năm, Thư viện Quốc gia Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhiều cán bộ Thư viện ở Việt Nam giúp nâng cao tay nghề, tăng cường nguồn lực cho các hệ thống Thư viện.

Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, Thư viện Quốc gia Việt Nam là “cầu nối” quan trọng để liên kết hoạt động, chia sẻ thông tin, trao đổi ấn phẩm, kinh nghiệm công tác và giao lưu văn hoá với khoảng 150 thư viện, trung tâm Thông tin - Thư viện của hơn 40 nước trên thế giới. Chính nhờ có Thư viện Quốc gia Việt Nam mà nhiều năm qua, hàng chục dự án, nhiều máy móc, trang thiết bị Thư viện (trị giá hàng triệu USD), và các ấn phẩm của nhiều nước trên thế giới đã được gửi tặng cho các Thư viện ở Việt Nam. Và thông qua Thư viện Quốc gia Việt Nam, nhiều ấn phẩm, sách báo, tài liệu của Việt Nam cũng được gửi ra thế giới nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam, về các Thư viện ở Việt Nam.... Thư viện Quốc gia Việt Nam còn là thành viên của Hiệp hội Thư viện Quốc tế (IFLA) từ năm 2000 và là thành viên của Ban Điều hành Đại hội Cán bộ Thư viện Đông Nam Á (CONSAL).

Là Thư viện hàng đầu của đất nước trong việc ứng dụng CNTT vào hoạt động Thư viện ngay từ giữa thập niên 80 của thế kỷ XX, đến nay Thư viện Quốc gia Việt Nam đã nghiên cứu và ứng dụng thành công một số vấn đề trong lĩnh vực này như: Triển khai các dự án CNTT, hỗ trợ cho 63 Thư viện cấp tỉnh, đào tạo và chuyển giao công nghệ hàng chục lớp học máy tính cho hàng trăm cán bộ Thư viện ở khắp các tỉnh, thành phố và nhiều trung tâm Thông tin - Thư viện lớn trong cả nước, thiết lập được nhiều CSDL Điện tử (CSDL thư mục với 660.000 biểu ghi và CSDL toàn văn (Bộ sưu tập số) gồm 7 CSDL toàn văn: Luận án Tiến sĩ; Sách về Đông Dương; Sách Hán - Nôm; Báo - Tạp chí; Vi phim - Vi phiếu, Băng đĩa CD với gần 5 triệu trang tài liệu; mỗi năm phục vụ hàng vạn, hàng triệu lượt bạn đọc. Thư viện Quốc gia Việt Nam cũng đã thiết lập mạng WAN nối mạng với tất cả Thư viện cấp tỉnh để chia sẻ dữ liệu, chia sẻ nguồn lực, khai thác thông tin, phục vụ bạn đọc....

Hiện nay, Thư viện Quốc gia Việt Nam đang tích cực triển khai số hoá các tài liệu, ứng dụng CNTT, hiện đại hoá các khâu tác nghiệp Thư viện và đổi mới phương thức phục vụ bạn đọc, nhằm từng bước xây dựng một Thư viện Điện tử, Thư viện Số; tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ của mình trong Chuyển đổi Số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tạo thế đứng vững chắc trong các Thư viện ở Việt Nam.

105 năm qua, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã có những cống hiến nhất định cho sự phát triển kinh tế - chính trị, văn hoá - xã hội, khoa học – kỹ thuật của đất nước. Những cống hiến to lớn đó đã được Đảng và Nhà nước ta ghi nhận bằng những phần thưởng và danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động Hạng Nhất, Hạng Nhì, Hạng Ba, Huân chương Độc Lập Hạng nhất, Hạng Nhì, Hạng Ba; nhiều năm liền Thư viện Quốc gia Việt Nam được nhận Cờ Thi đua xuất sắc của Chính phủ, của Bộ Văn hóa và Thông tin, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Để tiếp tục giữ vững truyền thống ấy, nhằm  xây dựng “thương hiệu Thư viện Quốc gia Việt Nam”, xứng đáng với niềm tin yêu của biết bao thế hệ bạn đọc, của đông đảo đồng nghiệp Thư viện trong cả nước; Đảng bộ, Lãnh đạo và gần 200 viên chức, người lao động Thư viện Quốc gia Việt Nam, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu không ngừng để đưa Thư viện Quốc gia Việt Nam trở thành nơi lưu truyền tri thức và khơi nguồn cảm hứng thực sự tin cậy, thân thiện của bạn đọc trong và ngoài nước; có uy tín và vị thế xứng đáng trong cộng đồng Thư viện Việt Nam, khu vực và thế giới. Để hoàn thành tốt mục tiêu này, Thư viện Quốc gia Việt Nam tập trung thực hiện tốt 6 nội dung phát triển như sau:

     a) Tăng cường công tác thu thập, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa chữ viết và xây dựng Bảo tàng tư liêu Việt Nam (trên các chất liệu: đất nung, đá, gốm, sứ, lá, gỗ, tre, nứa, giấy, đồng...).

     b) Tiếp tục làm tốt công tác bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao năng lực chuyên môn, giáo dục phẩm chất nghề nghiệp, lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với công việc cho mỗi viên chức và người lao động.

     c) Phát triển theo hướng xây dựng Thư viện truyền thống kết hợp Thư viện hiện đại - Thư viện Số, trong đó việc ứng dụng CNTT để lưu giữ, khai thác tài nguyên thông tin là xu hướng quan trọng để phát triển, tiến tới hình thành mạng lưới Thư viện truyền thống – Thư viện hiện đại – Thư viện Số rộng khắp trong cả nước.

     d) Xây dựng môi trường đọc thân thiện, sáng tạo; tạo môi trường học, đọc suốt đời cho người dân; hướng đến mục tiêu “Tất cả vì bạn đọc” bằng nhiều phương thức phục vụ như: Đọc tại trụ sở Thư viện, Đọc trên mạng internet thông qua website của Thư viện Quốc gia Việt Nam.

      đ) Phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, với cộng đồng Thư viện, thông tin trong nước và quốc tế để thực hiện tốt mục tiêu "Thống nhất - Chuẩn hoá - Chia sẻ và Hội nhập nâng cao chất lượng về chuyên môn, nghiệp vụ".

      e) Mở rộng hợp tác quốc tế trong việc trao đổi tài liệu, kinh nghiệm tổ chức và quản lý Thư viện hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thời đại “kinh tế tri thức” hay “tri thức phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”.

Hành trình đi tới tương lai, hành trình để góp phần “xây dựng nền văn hóa, con người việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, nhằm xây dựng một “thương hiệu” Thư viện Quốc gia Việt Nam là con đường còn nhiều thử thách và gian nan. Trải qua 105 năm xây dựng và trưởng thành, được sự quan tâm và đầu tư to lớn của Đảng và Nhà nước, trực tiếp là của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chúng tôi tin rằng, Thư viện Quốc gia Việt Nam sẽ không ngừng lớn mạnh, tiếp tục đạt được những thành tích trong Chuyển đổi Số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xứng đáng với niềm tin yêu và mong đợi của tất cả những người làm công tác Thư viện ở Việt Nam, với nhiều thế hệ bạn đọc đã từng biết đến và yên mến Thư viện Quốc gia Việt Nam./.

Huỳnh Tới

Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Tài liệu tham khảo:

1/ 100 năm Thư viện Quốc gia Việt Nam - Ký ức không quên/ Nguyễn Trọng Hữu// Văn hóa và đời sống (Chuyên trang của Báo Thanh Hóa), Cập nhật: 12:00 05/11/2017.

https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/100-nam-thu-vien-quoc-gia-viet-nam-ky-uc-khong-quen/15098.htm

2/ Thư viện Quốc gia Việt Nam: Nhìn lại quá khứ, hướng tới tương lai/ ThS. Nguyễn Hữu Giới – Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam, Cập nhật 20/11/2017 | 11:24// Cổng Thông tin Điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

https://bvhttdl.gov.vn/thu-vien-quoc-gia-viet-nam-nhin-lai-qua-khu-huong-toi-tuong-lai-619380.htm 

3/https://solutions.viettel.vn/vi/chuyen-doi-so#viettel#viettelsolutions #khaiphongtiemnangso

4/ NGUYỄN BÁ TƯỜNG (2001). Cơ sở dữ liệu: Lý thuyết và thực hành, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 292 trang.

5/ NGÔ TRUNG VIỆT (2001). Phát triển Hệ thống thông tin: Góc nhìn của người quản lý, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 408 trang.

6/ Chào mừng ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10.10: Vai trò của người lãnh đạo trong Chuyển đổi số/ Huỳnh Tới

https://thuvienbrvt.com.vn/News/NewDetail/chao-mung-ngay-chuyen-doi-so-quoc-gia-10-10-vai-tro-cua-nguoi-lanh-dao-trong-chuyen-doi-so