Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Thư viện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được trao tặng Giải thưởng Phát triển Văn hóa đọc lần thứ VI

  • 09/04/2024
  • 576

Trong những năm qua, hoạt động của hệ thống Thư viện trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) đã có nhiều khởi sắc và đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương nói riêng và của đất nước nói chung. Những kết quả đó là nhờ sự quan tâm chỉ đạo, sát sao của Vụ Thư viện - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), UBND tỉnh BR-VT, Sở Văn hóa và Thể thao trong việc triển khai thực hiện Đề án Phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng.

Ngày 04/04/2024, tại Lễ Tổng kết và trao Giải thưởng Phát triển Văn hóa đọc, Thư viện tỉnh BR-VT rất vinh dự được Bộ VHTT&DL trao tặng Giải thưởng Phát triển Văn hóa đọc lần thứ VI nhằm tôn vinh và ghi nhận những thành tích đạt được của Thư viện trong thời gian qua. Giải thưởng lần này cũng là nguồn động viên, là động lực để tập thể viên chức, người lao động của Thư viện tỉnh BR-VT tiếp tục nổ lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển Văn hóa đọc trong thời gian tới.


Trao tặng Giải thưởng Phát triển Văn hóa đọc lần thứ VI

Việc triển khai thực hiện Đề án Phát triển Văn hóa đọc trên địa bàn luôn được UBND tỉnh BR-VT, các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện ngay từ khi xây dựng Đề án; thể hiện ở các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp triển khai, đặc biệt là việc bố trí kinh phí triển khai thực hiện hàng năm. Cụ thể kinh phí bố trí mỗi năm khoảng 2,9 tỷ đồng; trong đó cấp cho Thư viện 2,3 tỷ đồng/ năm ngoài nguồn kinh phí giao cho hoạt động thường xuyên.

Để triển khai thực hiện Đề án, Thư viện tỉnh BR-VT đã ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động; triển khai áp dụng thống nhất các chuẩn nghiệp vụ, phối hợp tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền sách báo, tổ chức khai thác và cung cấp thông tin phục vụ bạn đọc, phối hợp tổ chức luân chuyển sách và phục vụ lưu động cho Thư viện cấp huyện và cơ sở… Cụ thể, một số hoạt động nổi bật đó là:

Về công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng phát triển Văn hóa đọc

Thư viện đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo BR-VT cung cấp các thông tin: Viết bài, xây dựng các bản tin, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, giới thiệu về các hoạt động phát triển Văn hóa đọc; sản xuất các video clip giới thiệu sách; các phóng sự, ký sự về gương điển hình trong việc tự học, tự đọc sách và các hoạt động Văn hóa đọc trên địa bàn. Kết hợp tuyên truyền Văn hoá đọc bằng hình thức trực quan với tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đa phương tiện: Fanpage, kênh yotube, trang thông tin điện tử của Thư viện, của Sở Văn hóa và Thể thao, Liên hiệp Thư viện khu vực miền Đông Nam bộ và Cực Nam Trung bộ.

Hàng năm, Thư viện đã tham mưu cho Sở Văn hóa và Thể thao phát động các hoạt động phát triển Văn hoá đọc trong toàn tỉnh như: Cuộc thi Quyển sách tôi yêu, Vẽ tranh theo sách, Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc do Bộ VHTT&DL tổ chức.

Phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các cuộc tọa đàm phát triển Văn hóa đọc riêng biệt cho các nhóm đối tượng cụ thể như sau: Tọa đàm với chủ đề “Dân vận thế nào để người người đọc sách, nhà nhà đọc sách”; “Sách giúp bạn điều gì;“Chung tay vì một xã hội đọc sách hay làm điều tốt”.

Đối với việc xây dựng thói quen đọc sách, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc

Thư viện tiếp tục duy trì, mở rộng và phát huy hiệu quả của 08 mô hình phát triển Văn hóa đọc tại các thư viện (Chương trình ngoại khóa - Chương trình hoạt động hè - Luân chuyển và phục vụ lưu động - Câu lạc bộ Bạn đọc - Các cuộc thi về sách - Chương trình giao lưu sự kiện - Tủ sách vệ tinh - Chương trình tặng Thẻ Thư viện). Hiện nay, Thư viện tiếp tục mở rộng quy mô tổ chức và liên kết với Nhà Văn hóa Thanh niên để phối hợp tạo sự mới mẽ, hấp dẫn của các mô hình.

Đối với việc Ứng dụng CNTT trong quản lý Văn hóa đọc

Thư viện đang vận hành phần mềm quản lý phát triển Văn hóa đọc. Đây là kết quả của việc triển khai Đề án Phát triển Văn hóa đọc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và “Chương trình Chuyển đổi Số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn. Việc triển khai phần mềm quản lý phát triển Văn hóa đọc là một trong những kênh khảo sát, đánh giá nhu cầu của bạn đọc, qua đó giúp cho các cơ quan chuyên môn, các nhà quản lý đề ra các giải pháp hiệu quả trong việc quản lý, phát triển Văn hóa đọc trên địa bàn.

Bổ sung tài nguyên thông tin thư viện cho hệ thống Thư viện công cộng

Trong những năm qua, Thư viện đã thực hiện các kế hoạch bổ sung tài nguyên thông tin của Đề án Phát triển Văn hóa đọc với hơn 15000 tên/ 75000 bản sách.

Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ ngành Văn hóa và Quản lý Thư viện

Qua 03 năm thực hiện Đề án, Thư viện đã tiến hành 05 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ Thư viện của ngành Văn hóa – Thể thao; ngành Giáo dục và Đào tạo; Người phụ trách Thư viện, Thư viện cấp huyện và Thư viện cấp xã; Thư viện chuyên ngành; Thư viện trường học; Phòng đọc cơ quan, đơn vị. Với số lượng học viên tham gia hơn: 800 lượt học viên.


Ông Trần Công Sơn -  Giám đốc Thư viện tỉnh BR-VT phát biểu tại Lể Tổng kết và trao Giải thưởng Phát triển Văn hóa đọc

Phát biểu tại buổi Lễ Tổng kết và trao Giải thưởng phát triển Văn hóa đọc lần thứ IV, ông Trần Công Sơn, Giám đốc Thư viện tỉnh BR-VT rất tự hào và vinh dự khi được Bộ VHTT&DL ghi nhận những đóng góp và kết quả đạt được của tập thể viên chức, người lao động của Thư viện tỉnh BR-VT trong xây dựng và phát triển hoạt động đọc tại địa phương, góp phần cho sự nghiệp phát triển Văn hóa đọc tại Việt Nam. Đây sẽ là động lực để tập thể viên chức, người lao động của Thư viện tỉnh BR-VT tiếp tục nổ lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển Văn hóa đọc trong thời gian tới./.


Nguyễn Thái - Phòng Hành chính

Thư viện tỉnh BR-VT

  • Minh Thư (Vietnam+)