Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Từ ghiền cà phê đến mê đọc sách

  • 07/06/2019

Nếu cà phê quyến rũ bởi hương vị ngọt ngào, thì tri thức phong phú, đa dạng, được coi như người thầy, người bạn từ những cuốn sách trở thành niềm đam mê đối với người đọc. Thật vậy, từ người có thói quen uống cà phê, chúng tôi đã mê đọc sách không biết tự bao giờ…

Còn nhớ vào một sáng chủ nhật đã qua, nhận tin nhắn qua điện thoại từ nhỏ bạn thân: “Mời bạn đi Cà phê Sách Ngọc Tước gần Bãi Sau, đường Thi Sách, cạnh Trường THPT Vũng Tàu nha!”. Thực tình ở Vũng Tàu đã lâu nhưng chưa có dịp đến Cà phê Sách Ngọc Tước. Kể từ khi tốt nghiệp đại học, rồi đi làm vì nhu cầu “cơm áo, gạo tiền”, tôi dường như ít có thời gian la cà đến quán cà phê và thi thoảng có mượn sách của thư viện về nhà đọc cũng chỉ để cập nhật kiến thức phục vụ cho công việc, đồng thời cũng lui tới Đường Sách tham gia gian trưng bày sách báo của đơn vị mình vào dịp tết và ngày nghỉ cuối tuần cũng ra Đường Sách phục vụ lưu động sách.

Những lúc nghỉ ca, tôi lại sang các gian sách kế bên để ủng hộ mua những cuốn sách mới để gửi tặng cho những người mà tôi trân quý, cho dù ở Thư viện thành phố nơi tôi công tác, chẳng thiếu gì sách mới, đảm bảo chất lượng cao. Tối chủ nhật rồi, tôi có ghé gian hàng Trà Phi Long để thưởng thức những ly trà xanh thơm ngon tinh khiết do chủ quán trẻ tài ba pha chế rất ấn tượng. Công nhận không gian Đường Sách của thành phố mình thật lý tưởng. Thời gian qua, luôn được lãnh đạo cấp trên tạo mọi điều kiện để duy trì phát triển Đường Sách. Thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, các đơn vị chức năng cùng các đoàn thể và các nhà sách… đều tổ chức và tham gia các sự kiện hết sức sôi nổi mang nhiều ý nghĩa thiết thực tại Đường Sách, nhờ đó mà đến nay đã thu hút được đông đảo công chúng yêu sách và nhiều thành phần xã hội tham gia.

Ảnh 1:Bạn đọc sách báo lưu động miễn phí của Thư viện TPVT tại Đường Sách;

Ảnh 2:  Bí thư Tỉnh ủy-Nguyễn Hồng Lĩnh và các đại diện lãnh đạo UBND tỉnh,TP Vũng Tàu  tham quan Đường Sách .

Hòa chung với những thành quả bước đầu và lòng biết ơn sâu sắc của mọi người trước sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo, chính quyền các cấp, phần lớn các đối tượng bạn đọc đã dần hình thành thói quen đọc sách và cuối cùng cũng chỉ nhằm đạt được mục tiêu duy nhất là phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Tôi chỉ ước sau khi mình về hưu có thể ra đây xin thuê vài ba gian trưng bày sách theo một mô hình tổng hợp các nhu cầu của bạn đọc. Nói thì dễ nhưng làm sẽ không dễ chút nào, do cần dành nhiều thời gian đầu tư nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, cân nhắc những phương án, giải pháp để quyết tâm thực hiện.

Tuy đặc điểm tình hình, phạm vi áp dụng, đối tượng người đọc cũng như chức năng, đặc thù hoạt động và cách thức tổ chức thực hiện của mỗi nơi, mỗi khác, song giữa các loại hình tổ chức của thư viện nhà nước và thư viện tư nhân đều có một mục đích: Chung tay xây dựng văn hóa đọc của thành phố ngày càng phát triển được hay không. Để có câu trả lời thống nhất, chúng ta hãy tìm hiểu qua những điều ghi nhận dưới đây:

Đến cà phê Sách Ngọc Tước, tôi cảm thấy bất ngờ và thú vị, một quán cà phê có cả thư viện gồm hàng chục ngàn đầu sách về chính trị, lịch sử, tiểu thuyết, tạp chí chuyên ngành, truyện tranh… Bạn có thể tìm chọn đọc một vài cuốn sách tại chỗ, hoặc mượn sách về nhà đọc. Ngọc Tước được bố trí 2 tầng, chia thành nhiều phòng, phòng phục vụ người đọc yên tĩnh, có máy điều hòa nhiệt độ; có nơi được bố trí bàn ghế bên ngoài để bạn có thể thưởng ngoạn đám mây trôi qua một góc trời nho nhỏ, bình yên, có tiếng gió rì rào sóng biển, những cây kiểng được bày trí cách điệu cho bạn cảm nhận đang hòa mình cùng thiên nhiên sống động.

Cô tiếp viên trẻ cho biết: “Ở đây khách đông nhất là vào ngày thứ bảy, chủ nhật. Họ đến đọc sách, ngoài ra các câu lạc bộ, các trường học thường đến tổ chức các sự kiện, đặc biệt là vào các dịp lễ, kỳ nghỉ hè…”

Xung quanh chúng tôi, quang cảnh không xô bồ, nhộn nhịp tiếng cười nói, cũng không có tiếng nhạc xập xình như những quán cà phê khác. Trong các phòng đọc là giáo viên, sinh viên, học sinh, công chức… thầm lặng mê mãi với sách; bên ngoài là những đôi bạn, những cuộc hẹn hò của doanh nhân, có cả du khách… họ trao đổi công việc, có người vừa thưởng thức cà phê, vừa thả mình vào trang web với chiếc điện thoại cầm tay, chiếc máy tính…

Người đọc đến với Cà phê Sách Ngọc Tước 

Mấy đứa bạn học thời cấp ba, giờ gặp lại bên ly cà phê với mùi thơm ngạt ngào, càng làm tình bạn thêm đậm đà hơn. Những câu chuyện rôm rã từ thời niên thiếu như thế sống lại, chuyện vui, chuyện buồn và cả những kỷ niệm khó quên ở trường lớp… Và từ đó, Ngọc Tước đã thành điểm hẹn mặc định của chúng tôi vào những ngày nghỉ cuối tuần.

Lâu dần, Ngọc Tước đã biến chúng tôi thành “tín đồ sách”, đó là thói quen vừa đọc sách và thưởng thức cà phê vào những ngày cuối tuần, những lúc cần tra cứu tài liệu cho nhu cầu công tác, giải trí, bổ sung kiến thức; sở thích lướt facebook đã thay đổi bởi niềm đam mê đọc sách; cùng với đó là kỹ năng và hiệu quả của việc khai thác tài liệu, giúp chúng tôi tích lũy, bổ sung nhiều kiến thức quý báu từ kho tàng tri thức của nhân loại.

Tiếp xúc với một học sinh cấp ba, trong phòng đọc, em bộc bạch: “Em đến đây cùng với mấy đứa bạn để tra cứu tài liệu chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới; đây là nơi quen thuộc mà thầy, cô giáo thường tổ chức cho em và các bạn sinh hoạt nhóm về chuyên đề các môn học”.

Bạn đọc đến cà phê Sách Ngọc Tước để đọc sách, thảo luận nhóm, và ôn thi

Trước xu thế công nghệ số bùng nổ, thông tin đa dạng, đa chủng, văn hóa đọc của giới trẻ có nhiều lựa chọn để dung nạp tri thức. Song một thực tế không thể phủ nhận rằng: Một bộ phận giới trẻ đã và đang ghiền lướt web tìm kiếm những thông tin nóng, giật gân kiểu bạo lực, tiêu cực…Trong một bữa cơm tối gia đình, cha, mẹ và cả con trẻ mỗi người dán mắt vào chiếc điện thoại, máy tính bảng… là kịch bản quá đỗi quen thuộc.

Làm thế nào để tạo cho mọi người, nhất là giới trẻ thay đổi nhận thức về văn hóa đọc, thay đổi thói quen, sở thích và kỹ năng đọc sách; để một bộ phận giới trẻ hạn chế tiêu phí thời gian quá nhiều vào những thông tin chưa cần thiết, ảnh hưởng đến kết quả học tập. Đó là trăn trở của toàn xã hội, nhưng trước hết, rất cần các bậc cha, mẹ; các thầy cô giáo hãy quan tâm định hướng xây dựng văn hóa đọc cho học sinh, sinh viên tạo thói quen đọc sách mọi nơi, mọi lúc, không chỉ đọc ở thư viện, mà còn đọc ở đường sách, ở cà phê sách… Trong tương lai sẽ còn nhiều mô hình cà phê sách tư nhân hình thành và tạo nên một diện mạo văn hóa đọc mới với những bước đột phá đầy khởi sắc, miễn là đều nhằm góp phần nâng cao văn hóa đọc trên địa bàn, phấn đầu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc được giao.

Các hình từ trái sang phải: Bạn đọc trong ngày hội văn hóa đọc (21/4) và trong Hội Báo Xuân tỉnh tại Thư viện Vũng Tàu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT-Nguyễn Minh Thông, Trưởng Ban tổ Chức tỉnh ủy-Lưu Tài Đoàn ; Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu-Trương Thị Hường cùng các đại diện lãnh đạo trong hội báo Xuân tỉnh tổ chức tại Thư viện Vũng Tàu.

Trước mắt, đến với Cà phê Sách Ngọc Tước cũng như đến với Đường Sách thành phố cũng chỉ cần thiết kế một chương trình phối hợp với những sự kiện về một cuộc hội thảo, họp nhóm, hay câu lạc bộ chuyên đề về một cuốn sách, một tác giả, một chủ đề hoặc chỉ là một buổi sinh hoạt lớp, một buổi sinh nhật của thầy, cô giáo, học sinh, sinh viên… có thể là một giải pháp hữu ích, hấp dẫn mọi người đến với những không gian tạo thêm nhiều sinh khí mới để hy vọng rồi đây Văn hóa đọc sẽ ngày càng  phát triển sâu rộng trong cộng đồng không chỉ ở các thư viện, trường học mà còn đến cả Đường Sách thành phố và những con đường cà phê sách mới sẽ có thêm nhiều người mê đọc sách và làm được nhiều việc có ích từ sách./.

Nguyễn Thị Kỷ

Thư viện thành phố Vũng Tàu