Đại sứ văn hóa đọc là một cuộc thi được phát động cách đây 4 năm, đến nay đã tạo nên nhiều hiệu ứng tích cực, không chỉ cấp trung ương, các thành phố lớn mà nhiều địa phương cũng triển khai hiệu quả.
Cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc" là một trong những hoạt động trọng tâm trong chuỗi các hoạt động của đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 329/QĐ- TTg ngày 15/03/2017. Cuộc thi được phát động hàng năm bắt đầu từ năm 2019 đến năm 2022, qua 4 lần tổ chức đã thu hút hơn 3,5 triệu lượt thí sinh tham dự ở vòng sơ khảo. Số lượng thí sinh tham dự tăng mạnh theo mỗi kỳ tổ chức đã phần nào khẳng định sức lan tỏa của cuộc thi.
Tại lễ tổng kết cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2020, cuộc thi đã có sự tham gia của hơn 1 triệu học sinh, sinh viên từ gần 5.400 trường tiểu học, THCS, THPT, ĐH, Học viện, trong đó có cả những em khiếm thị, khuyết tật. Năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, toàn xã hội phải giãn cách để chống dịch, song việc tổ chức Cuộc thi vẫn được tiến hành theo hình thức phù hợp và thu hút hơn 871.000 học sinh, sinh viên tham gia. Năm 2022 là năm có nhiều địa phương và các đơn vị, các trường đại học, học viện tham gia nhiều nhất. Trong 05 tháng phát động và triển khai, cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc" đã thu hút gần 1.272.000 học sinh, sinh viên từ gần 7.869 cơ sở giáo dục tham gia vòng sơ khảo.
Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc đã để lại nhiều hiệu ứng tích cực
Qua 4 lần triển khai, ở nhiều địa phương và nhiều trường học, học viện, cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc" đã trở thành một sân chơi, một diễn đàn hữu ích để học sinh, sinh viên cũng như thanh niên, thiếu niên cùng các tầng lớp nhân dân chia sẻ về kinh nghiệm đọc sách hiệu quả, lan tỏa nguồn tri thức khổng lồ từ sách.
Tại các địa phương, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc cũng được hưởng ứng và triển khai rộng khắp. Cùng với Ngày sách và văn hóa đọc, Cuộc thi giới thiệu sách trực tuyến… thì cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc gần như luôn được song hành. Khác với cuộc thi khác tìm ra giải cao thấp thì đại sứ văn hóa đọc là một danh hiệu vô cùng gợi mở và cao đẹp. Đó không chỉ là giải thưởng được ghi nhận mang tính cá nhân mà còn nhắc nhở cho sự lan tỏa đến người khác như một trách nhiệm đầy ý nghĩa. Đại sứ như một chiếc cầu nối, nối gần hơn khoảng cách và mang đến tình yêu sách cho độc giả.
Cuộc thi đại sứ văn hóa đọc được triển khai khắp các tỉnh, thành cũng cho thấy nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, sự đa dạng hóa hình thức đọc sách và chuyển tải đến mọi người. Đặc biệt là các em học sinh. Các em đã sáng tạo theo cách riêng của mình, từ cảm nhận, suy nghĩ, sở thích, thói quen... từ đó lan tỏa và nhân rộng thói quen đọc sách, hình thành văn hóa đọc một cách gần gũi, tự nhiên.
Nhị Xuân
Nguồn: bvhttdl.gov.vn