Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Kỷ niệm 81 năm ngày khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940 - 23/11/2021): Bài học về tận dụng thời cơ

  • 23/11/2021
  • 203
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Đã 81 năm trôi qua, nhưng sự kiện Nam kỳ khởi nghĩa vẫn mãi lưu dấu trong lòng bao thế hệ. Đó là lần đầu tiên cờ đỏ sao vàng tung bay trên các trụ sở hành chính, cột nhà dây thép ở Nam kỳ. Nam kỳ khởi nghĩa là sự kiện đánh dấu bước trưởng thành của phong trào cách mạng ở Nam bộ, góp phần hun đúc tinh thần yêu nước của nhân dân.

Vào đêm 22 rạng 23/11/1940, tất cả 20 tỉnh và thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn đều có kế hoạch khởi nghĩa, trong đó có 56/75 quận, 50% số làng. Dù cuộc khởi nghĩa diễn ra không hoàn toàn như kế hoạch, nhưng một số nơi giành được quyền làm chủ, gây cho địch một số thiệt hại, tạo được tiếng vang lớn trong dư luận quần chúng nhân dân.

Lần đầu tiên, cờ đỏ sao vàng tiến bước cùng với các đoàn quân khởi nghĩa và tung bay trên nóc các trụ sở của chính quyền thực dân, tề xã bị quân ta chiếm lấy. Khởi nghĩa Nam kỳ là bài học quý báu về chỉ đạo khởi nghĩa vũ trang, chuẩn bị cho Đảng những kinh nghiệm để giành thắng lợi trong khởi nghĩa tháng 8/1945. Trong đó, có bài học về xây dựng các phương án để có thể ứng phó được nhiều tình huống khác nhau.

Một trong những lực lượng có thể coi là chủ lực của khởi nghĩa Nam kỳ là binh lính người Việt trong quân đội Pháp. Thời điểm đó, Xứ ủy Nam Kỳ đã xem trọng công tác binh vận hơn một số công tác khác, như công vận, nông vận…


Những ngày đầu khởi nghĩa ở Bến Tre năm 1940. Ảnh: Tư Liệu

“Xứ ủy Nam Kỳ xác định binh vận là một khâu quan trọng trong chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa. Binh sĩ người Việt trong quân đội Pháp là con em nhân dân lao động, có tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc, có thể trở thành một lực lượng khởi nghĩa nếu được giác ngộ. Xứ ủy thành lập hai ủy ban chuyên môn binh vận. Những nỗ lực trong công tác binh vận làm cho số lượng binh sĩ có cảm tình với cách mạng ngày càng nhiều. Phát hiện thấy những điều khác lạ trong anh em binh sĩ người Việt, ngày 16/10/1940, Thống đốc Nam kỳ Veber gửi thông tri mật nhắc nhở các tỉnh phải kiểm tra an ninh, chú ý đề phòng việc lấy cắp vũ khí, đạn dược, thuốc nổ. Ngày 11/11/1940, Veber lại gửi báo cáo khẩn lên cấp trên, rằng trong tài liệu mà y vừa bắt được ở Vĩnh Long có nội dung phân tích những thời cơ thuận lợi phát động cuộc nổi dậy của cộng sản. Tài liệu cũng nhắc tới những tổ chức cộng sản sẵn có trong binh lính phải nhằm vào các kho vũ khí, đạn dược và chuẩn bị đánh chiếm khi được lệnh. Đến tháng 11-1940, nhiều đơn vị binh lính người Việt ở Nam kỳ đã ngả về phía cách mạng, sẵn sàng tham gia khởi nghĩa (…). Tuy nhiên, phát hiện thấy những dấu hiệu bất thường, thực dân Pháp đã kịp thời thu vũ khí và cấm trại binh sĩ người Việt. Vì thế, anh em binh lính không có cơ hội tham gia khởi nghĩa”(1).

Những điều này cho thấy, các thông tin về khởi nghĩa đã lộ ra vài tháng trước khi khởi nghĩa nổ ra và ngày càng thể hiện rõ nét, khiến thực dân Pháp có thời gian và điều kiện ứng phó.

Bên cạnh đó, từng phương án cho hoạt động khởi nghĩa như hiệu lệnh, cách thức tiến công, cách giữ các vị trí đã chiếm đóng, cách rút lui… cũng chưa được tính toán kỹ lưỡng. Chẳng hạn, tại Sài Gòn, theo kế hoạch, các lực lượng khởi nghĩa từ ngoại ô tiến vào trong đêm 22 để đúng 0 giờ ngày 23 thì chờ hiệu lệnh cùng với quân cách mạng bên trong nổi dậy chiếm các cơ quan trọng yếu, phá Khám Lớn...

Hiệu lệnh là đèn điện tắt, súng nổ. Nhưng quá giờ không có hiệu lệnh nên các lực lượng đã vào nội thành rồi sau đó nhanh chóng rút lui ra khỏi thành phố, lực lượng đã phục ở ngoài chờ đến gần sáng không thấy gì nên tự giải tán. Các đạo quân khởi nghĩa ở các địa phương lân cận theo quy ước nếu không thấy chuyến xe lửa sớm thì sẽ nhất tề xông lên nhưng đến gần sáng, xe lửa vẫn chạy thì biết Sài Gòn không khởi nghĩa được hay khởi nghĩa không thành công. Dù vậy, một số lực lượng không thể dừng lại mà cũng không có phương án tác chiến hữu hiệu, dẫn đến nhanh chóng bị đàn áp.

Hay Xứ ủy chủ trương chọn Sài Gòn - Chợ Lớn làm nơi phát lệnh và đóng vai trò quyết định trong cuộc tổng khởi nghĩa. Thực tế, cuộc khởi nghĩa chỉ nổ ra mạnh ở vùng nông thôn, còn khởi nghĩa ở đô thị này không diễn ra được do bị địch ngăn chặn triệt để.

Từ đó có thể thấy được “bài học về tính khoa học của kế hoạch lãnh đạo khi tiến công và thoái thủ; dự trù các phương án thắng - thua và khả năng giải quyết nếu khởi nghĩa thất bại; kế hoạch rút lui bảo toàn cơ sở và lực lượng”; đồng thời “bài học về xây dựng đội quân chủ lực, xác định rõ các lực lượng phối hợp của cuộc khởi nghĩa và đánh giá đúng vai trò của các lực lượng. Lực lượng vũ trang của binh lính là quan trọng nhưng quyết định vẫn là quần chúng công nông”(2). Bài học này đã được Đảng ta nghiêm túc rút kinh nghiệm và đã thành công rực rỡ trong Cách mạng Tháng Tám.

Ngay từ khi được tin Nam kỳ khởi nghĩa, ngày 24/11/1940, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra thông báo khẩn cấp, chỉ thị cho các địa phương “chia lửa với Nam kỳ”, trong đó nêu: “Anh em (binh lính) hãy dùng ngay khí giới của giặc bắn vào đầu giặc Pháp. Hãy nổi lên hưởng ứng đồng bào cách mạng Nam kỳ! Anh em có khí giới trong tay, chỉ có anh em nổi lên mới làm cho giặc Pháp, giặc Nhật hoảng vía, chỉ có anh em mới có thể làm cho khí giới quân thù biến thành khí giới của đồng bào cách mạng”(3).

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, quần chúng cách mạng ở nhiều nơi đã tham gia rải truyền đơn, bãi khóa, bãi thị đến việc phát động du kích, nếu có điều kiện phá đường, cầu cống ngăn quân thù đàn áp…, nhưng do sự phối hợp, hiệp đồng có mức độ nên hiệu quả không cao.

Dẫu vậy, cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra và tạo được tiếng vang rất lớn trong toàn Nam kỳ lúc bấy giờ, góp phần hun đúc tinh thần yêu nước trong nhân dân, tạo nên những tiền đề quan trọng để có thể thực hiện thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám 5 năm sau đó.

-----------------------------
       (1) PGS.TS. Vũ Quang Hiển, Bài học về xây dựng Đảng từ cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, Tạp chí Xây dựng Đảng, số 11/2015.

(2) Ban Tuyên giáo Trung ương, Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Khởi nghĩa Nam kỳ.

(3) Văn kiện quân sự của Đảng, 1930-1945, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1969, tr.166.

Trúc Giang

https://www.sggp.org.vn/

Báo Sài Gòn giải phóng