Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong phương pháp nghệ thuật của chèo hiện nay

  • 02/03/2024
  • 714


Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong phương pháp nghệ thuật của chèo hiện nay 

Bí kíp khiến bạn thích đọc sách ngay cả với những bạn không thích sách / Francoize Boucher ; Lại Thị Thu Hiền dịch .- Hà Nội : Kim Đồng , 2017.

Chèo hay còn gọi là hát chèo là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền Việt Nam. Chèo phát triển mạnh ở phía Bắc Việt Nam với trọng tâm là vùng đồng bằng sông Hồng cùng hai khu vực lan tỏa là trung du miền núi Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Loại hình sân khấu này phát triển cao, giàu tính dân tộc. Chèo mang tính quần chúng và được coi là loại hình sân khấu của hội hè với đặc điểm sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách nói ví von giàu tính tự sự, trữ tình.

Được hình thành từ khoảng thế kỉ 10 tới nay, sự phát triển của nghệ thuật sân khấu Chèo đã khẳng định sự phù hợp suốt một chặng dài cùng với sự phát triển của xã hội Việt Nam. Chèo phản ánh đầy đủ mọi góc độ của bản sắc dân tộc Việt Nam: lạc quan, nhân ái, yêu cuộc sống yên lành, bình dị, nhưng tràn đầy tự hào dân tộc, kiên cường đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Cũng chính vì nội dung tư tưởng lành mạnh đó mà trong chèo có đầy đủ các thể loại văn học: trữ tình, lãng mạn, anh hùng ca, sử thi, thơ ca giáo huấn...

Trước bối cảnh lịch sử xã hội hiện nay đang có nhiều sự tiếp biến văn hóa mạnh mẽ và phức tạp. Sự phát triển của công nghệ hiện đại, các thiết bị điện tử đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa hiện đại, đa dạng của con người đã làm giảm nhu cầu tiếp cận nền văn hóa cổ xưa như nghe Chèo, xem Chèo… Một bộ phận lớn người dân được điều hướng truyền thông, xem thông tin giải trí nhanh, hiện đại mà dần xa rời những loại hình như âm nhạc truyền thống: đàn bầu, hát chầu văn…, hay cụ thể ở đây là loại hình Chèo.

Với thực trạng đó, bộ môn nghệ thuật dân tộc nói chung và nghệ thuật Chèo nói riêng cần được bảo tồn, kế thừa và phát triển là vấn đề bức thiết đặt ra đối với các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân nghệ thuật Chèo và cả những người yêu thích Chèo.

Cuốn sách mang tựa đề: “Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong phương pháp nghệ thuật của Chèo hiện nay” của tác giả Nguyễn Thị Bích Ngoan, được Nhà xuất bản Sân khấu ấn hành vào năm 2022. Với 416 trang, cuốn sách đã xác định hướng đi đúng đắn trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy những giá trị đích thực của bộ môn nghệ thuật đặc sắc này – nghệ thuật Chèo.

Nội dung cuốn sách gồm 3 chương:

Chương 1: Cơ sở lý luận

Ở chương này, tác giả trình bày một số khái niệm, cơ sở lý luận nghiên cứu dựa trên các phương pháp biện chứng, dựa trên đường lối, chính sách về Văn hóa Văn nghệ của Đảng…, hay cụ thể hơn là vận dụng từ phương pháp nghiên cứu đi từ lý thuyết tới thực tiễn trong loại hình nghệ thuật Chèo.

Chương 2: Bảo tồn và phát triển trong phương pháp nghệ thuật của Chèo (từ năm 1950 đến năm 2019)

Trình bày sự thay đổi của bối cảnh xã hội, của lịch sử nước nhà, sự tăng cường lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự phát triển văn hóa của người dân nước ta, cách tiếp nhận văn hóa giao thoa hai miền Bắc – Nam, các nguyên tắc của Chèo cổ… Các yếu tố cần bảo tồn trong ngôn ngữ thể hiện Chèo, trong âm nhạc, trong múa, trong mỹ thuật liên quan đến Chèo…

Chương 3: Luận bàn về sự kết hợp giữa bảo tồn và phát triển trong phương pháp nghệ thuật của Chèo hiện nay

Tác giả trình bày những thủ pháp như kết hợp việc bảo tồn và phát triển các nguyên tắc nghệ thuật biểu diễn; kết hợp giữa bảo tồn và phát triển phương pháp nghệ thuật của các thành tố trong Chèo như cấu trúc tích diễn, xây dựng tính cách nhân vật, lời văn, âm nhạc, trang phục, hóa trang trong diễn Chèo…

Ngoài phần nghiên cứu trên, tác giả đã dành hẳn phần cuối sau Danh mục các công trình đã công bố liên quan đến đề tài nghiên cứu đưa thêm Phụ lục 2 và Phụ lục 3 rất có giá trị khi nội dung chính là những bài phỏng vấn các nghệ sỹ, các nhà nghiên cứu sân khấu hay một số bài viết về Nghệ sỹ Nhân dân. Thanh Ngoan với nghệ thuật Chèo. Đó là những minh chứng sống động, những con người thực chiến, sống và phấn đấu với Nghề. Là những con người nếm đủ mùi vị: cay, đắng, ngọt, bùi… trong đời diễn.

Với những nhà nghiên cứu, những nghệ nhân trẻ theo nghiệp diễn xuất, yêu thích Chèo, thì đây là một tài liệu giá trị trong cả lý thuyết và thực tiễn, cùng nhau nghiền ngẫm để học tập, để áp dụng, để cải biến cho sự bảo tồn và phát triển Chèo trong bối cảnh hiện nay - xã hội hiện đại; Còn với người yêu thích Chèo, đọc cuốn sách, họ được tiếp cận nội dung nghệ thuật Chèo một cách bao quát, đầy đủ, chi tiết. Thu lượm những giá trị mình nâng niu, được trải nghiệm nghề với những người có thâm niên trong diễn xuất Chèo; Và được vui cái vui của xã hội, buồn cái buồn của nhân tình thế thái. Đó là một trải nghiệm rất đặc biệt.

Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Xin hân hạnh phục vụ bạn đọc!

Hoàng Tuyến

Chi đoàn Thư viện tỉnh BR-VT