Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dân vận theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

  • 17/08/2022
  • 3520

Trong suốt quá trình lãnh đạo, với quan điểm sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng, là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Một trong những bài học quan trọng, góp phần làm nên những thành tựu to lớn xuyên suốt chiều dài lịch sử là bài học “Lấy dân làm gốc”, phát huy vai trò làm chủ, sức sáng tạo và nguồn lực của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đây là tư tưởng xuyên suốt góp phần cho sự nghiệp cách mạng của Đảng vượt qua mọi khó khăn và đạt được nhiều thắng lợi.     

Công tác dân vận của Đảng trong từng thời kỳ cách mạng có những nội dung, phương thức khác nhau, nhưng đều hướng đến mục tiêu quan trọng đó là tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân với Đảng; vận động, thu hút rộng rãi các tầng lớp nhân dân, khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc cho quá trình phát triển đất nước. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chỉ thị, nghị quyết lớn liên quan đến phát huy quyền làm chủ của nhân dân như: Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg ngày 21/9/2000 về “Tăng cường công tác dân vận”; Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25/2/2010 “Về việc ban hành quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”; Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”;...

So với các Văn kiện Đại hội trước, Đại hội XIII có nhiều điểm mới trong nhận thức về vai trò của nhân dân và công tác dân vận. Đại hội xác định “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” . Đại hội XIII cũng tiếp tục khẳng định tầm quan trọng và yêu cầu mới cao hơn về chiến lược “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” trong đó bổ sung điểm mới về quan điểm của Đảng đối với các tầng lớp nhân dân đó là: Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phục vụ lợi ích của nhân dân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích xã hội. Văn kiện Đại hội XIII cũng đề cập chi tiết đến từng bộ phận nhân dân trong xã hội bao gồm: giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, trí thức, đội ngũ doanh nhân, thế hệ trẻ, phụ nữ Việt Nam, cựu chiến binh, công an hưu trí, người cao tuổi, đồng bào các dân tộc thiểu số, các tổ chức tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài và coi đây chính là những đối tượng của công tác dân vận của Đảng. Đại hội khẳng định rõ hơn và đề cao hơn trách nhiệm với nhân dân và hiệu quả thực hiện công tác dân vận của các cơ quan hành chính nhà nước cũng như nhận thức rõ ý nghĩa, vai trò của phong trào thi đua “Dân vận khéo”…


Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện cùng nông dân Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, năm 1954. Ảnh: Tư liệu

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác dân vận đã đạt nhiều thành tích, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại, nâng cao đời sống của nhân dân, giải quyết có hiệu quả nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân; tích cực góp phần vào công tác xây dựng Đảng về hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phòng chống tham nhũng, lãng phí…; phong trào thi đua “Dân vận khéo” được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng phong phú, phù hợp từng đối tượng. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, kịp thời nắm bắt tình hình nhân dân, phát huy dân chủ, chủ động tham gia giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền…  

 

Các điển hình “Dân vận khéo” nhận Bằng khen của Ban Dân vận Trung ương

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, trong thời gian tới, công tác dân vận cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân về tầm quan trọng của công tác dân vận trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc cũng như xác định đúng “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng. Sớm đưa công tác dân vận trở thành nhiệm vụ thường xuyên gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, phải xác định việc thực hiện công tác dân vận là một trong những tiêu chí đánh giá, phân loại thi đua, khen thưởng đối với tập thể và cá nhân các cơ quan nhà nước các cấp.

Hai là, thực hiện nhất quán quan điểm “thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng”  theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII vào trong thực tiễn. Theo đó cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức công tác dân vận theo hướng hướng về cơ sở, gần dân, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của dân; xuất phát từ nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của đông đảo nhân dân, coi đó là một cơ sở quan trọng để xây dựng chủ trương, giải pháp phát triển mọi mặt của địa phương, đơn vị và vận động nhân dân thực hiện; xuất phát từ đặc điểm trình độ của các đối tượng nhân dân để xác định phương thức vận động thích hợp.

Ba là, phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác dân vận với tư cách là chủ thể chính, trực tiếp thực hiện công tác dân vận của Đảng. Tùy vào đặc điểm tình hình thực tế cũng như đặc thù của từng nhóm đối tượng mà chọn hình thức, biện pháp, nội dung vận động sao cho phù hợp để đạt được hiệu quả vận động cao nhất.

Bốn là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, kiến nghị chính đáng của nhân dân và khiếu nại, tố cáo của công dân. Muốn làm được điều này yêu cầu từng cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức chính trị-xã hội, các đại biểu dân cử phải thường xuyên sâu sát cơ sở, sâu sát nhân dân, lắng nghe ý kiến góp ý, phản ảnh của các tầng lớp nhân dân; cán bộ làm công tác dân vận phải nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; nắm vững đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh của địa phương; nắm vững tâm tư nguyện vọng, nhu cầu, lợi ích của các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, trong quá trình ban hành chương trình, nghị quyết, chính sách cần phải có phương thức thích hợp để tham khảo ý kiến nhân dân, được sự đồng tình, hưởng ứng của nhân dân, coi lợi ích chính đáng của nhân dân là trên hết, nhất là với những chính sách liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Năm là, phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp chiến lược. Xây dựng và thực hiện phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện; đồng thời kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức, viên chức nhà nước quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, hách dịch, cửa quyền và năng lực, phẩm chất kém.

Sáu là, đổi mới nội dung và hình thức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng chính sách, pháp luật. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác hòa giải trong nội bộ nhân dân. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác dân vận. Các cơ quan nhà nước các cấp phối hợp kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện công tác dân vận.

Thế Vinh – Thùy Trang