Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Nhà văn Đoàn Giỏi - Đất rừng phương Nam và bạn đọc Bà Rịa - Vũng Tàu

  • 02/11/2022
  • 5840

1. Đoàn Giỏi sinh ngày 17 tháng 5 năm 1925 tại xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (ngày nay là thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình địa chủ lớn, có hàng trăm mẫu ruộng màu mỡ ven sông Tiền. Nhà ông xưa tòa ngang dãy dọc, nơi mà bây giờ trở thành trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Ông từng theo học tại Trường Mỹ thuật Gia Định trong những năm 1939 - 1940. Khi Cách mạng tháng Tám thành công và toàn quốc kháng chiến, gia đình ông đã tự nguyện hiến toàn bộ nhà cửa, ruộng đất cho chính quyền Việt Minh. Do đó, sau năm 1975, mặc dù Đoàn Giỏi đi lại rất nhiều giữa hai miền Nam - Bắc nhưng không có nhà cửa riêng; khi ở Hà Nội ông thường tá túc ở Hội Nhà văn Việt Nam và khi vào Nam ở nhờ nhà bạn bè.

Trong những năm Việt Nam chống Pháp, Đoàn Giỏi công tác trong ngành An ninh, rồi làm công tác Thông tin - Văn nghệ, từng giữ chức Phó Trưởng ty Thông tin Rạch Giá (1949). Từ năm 1949 đến năm 1954, ông công tác tại Chi hội Văn nghệ Nam bộ, viết bài cho Tạp chí Lá Lúa, rồi Tạp chí Văn nghệ Miền Nam

Sau 1954, ông tập kết ra Bắc, đến năm 1955 ông chuyển sang sáng tác và biên tập sách báo, công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi Hội Văn nghệ Việt Nam. Ông là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam Khóa I, II, III. Đoàn Giỏi còn có các bút danh: Nguyễn Hoài, Nguyễn Phú Lễ, Huyền Tư.

Đất rừng phương Nam là truyện viết cho lứa tuổi thiếu nhi rất thành công và nổi tiếng của ông. Truyện đã được dịch ra nhiều tiếng nước ngoài, tái bản nhiều lần, được dựng thành phim và in trong Tủ sách Vàng của Nhà xuất bản Kim Đồng. Tháng 2 năm 1957, Đoàn Giỏi nhận được đặt hàng của Hội Văn nghệ Việt Nam viết một tác phẩm về thiếu nhi Nam bộ, thời gian viết trong 4 tháng. Tuy nhiên, mãi đến tháng 5, khi nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nhắc lại yêu cầu này và nhấn mạnh thời điểm ra đời của Nhà xuất bản Kim Đồng, Đoàn Giỏi mới bắt đầu chấp bút. Chỉ trong một tháng, ông đã kịp hoàn tất tác phẩm đúng thời gian dự kiến. Tác phẩm được xuất bản ngay thời điểm ra đời của Nhà xuất bản Kim Đồng và đã thành công vượt mức mong đợi. Đất rừng phương Nam được tái bản rất nhiều lần, được dịch và xuất bản ở Liên Xô, Hungari, Trung Quốc, Đức, Cuba...


Ông mất ngày 2 tháng 4 năm 1989 tại Thành phố Hồ Chí Minh vì bệnh ung thư. Ngày 7 tháng 4 năm 2000, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định đặt tên ông cho một con đường thuộc quận Tân Phú.

Tác phẩm của Đoàn Giỏi bao gồm nhiều thể loại: Đường về gia hương (1948), Cá bống mú (1956), Đất rừng phương Nam (1957), Cuộc truy tầm kho vũ khí (1962) /Truyện dài/; Hoa hướng dương (1960) /Truyện ngắn/; Ngọn tầm vông (1956), Trần Văn Ơn (1955), Từ đất Tiền Giang, Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày, Đèn tôi bay về Lục Hồ Chí Minh, Sông nước Cà Mau /Truyện ký/; Khí hùng đất nước (1948), Những dòng chữ máu Nam Kỳ 1976 (1975), Trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Cây đước Cà Mau, Tết Nguyên Đán ở Nam Bộ /Ký/; Người Nam thà chết không hàng (1947), Chiến sĩ Tháp Mười (1949) /Kịch thơ/; Bến nước mười hai, Truyện thằng Cồi, Giữ vững niềm tin (1954) /Thơ/; Những chuyện lạ về cá (1981), Tê giác giữa ngàn xanh (1982) /Biên khảo/...

Đoàn Giỏi là nhà văn đã biến đất rừng phương Nam trở thành thân thuộc, đáng yêu đối với độc giả, không chỉ là độc giả nhỏ tuổi. Những trang văn của ông thấm đượm hơi thở của sông nước, rừng cây, những câu chuyện cả thực cả kỳ bí của thiên nhiên Nam bộ hoang sơ và truyền được hơi thở ấy cho độc giả. Có được điều đó không những là nhờ tình yêu của ông đối với miền đất Nam bộ quê hương mà còn ở óc quan sát tỉ mỉ, tinh tế, lối văn kể chuyện hấp dẫn trong tác phẩm của mình.

Ngoài ra, Đoàn Giỏi còn cộng tác với buổi phát thanh "Hướng theo ngọn cờ cứu nước" của Đài Tiếng nói Việt Nam. Điển hình là bài báo – câu chuyện ông viết sau Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào, một câu chuyện tâm tình giữa Đoàn Giỏi với một người bạn học cũ ở Trường Trung học Mỹ Tho, được thể hiện dưới dạng một lá thư dài, chia ra nhiều đoạn và phát thanh liên tiếp nhiều lần... Người bạn ấy lúc bấy giờ là Đại tá, Tư lệnh Sư đoàn của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Nghe được câu chuyện này, "người bạn" - Đại tá Tư lệnh Sư đoàn Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã "đáp trả" bằng câu đối: "Trung Quốc có Tào Ngu mà giỏi, Việt Nam có Đoàn Giỏi mà ngu" (1), chứng tỏ "bút lực" của ông đủ sức đi vào lòng người…

2. Đất rừng phương Nam là truyện dài viết về cuộc đời phiêu bạt của cậu bé tên An. Bối cảnh của tiểu thuyết là miền Tây Nam bộ - Việt Nam vào những năm 1945, sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Nam bộ.

Câu chuyên diễn ra vào những năm 50 của thế kỷ XX. Vì chiến tranh, An bị lạc mất gia đình và trở thành một đứa trẻ lang thang. Khi lạc vào xóm chợ nhỏ ở một vùng quê xa lạ, An được dì Tư béo cưu mang. Ở đây cậu gặp nhiều nhân vật: lão Ba Ngù, anh Sáu tuyên truyền, những chú bộ đội, cha con ông lão bán rắn và vợ chồng Tư Mắm... An vô tình biết được vợ chồng Tư Mắm là Việt gian, bị họ phát hiện nên An đã chạy trốn, vợ chồng họ đốt quán dì Tư rồi cũng bỏ đi. An tiếp tục cảnh lang thang rồi gặp lại cha con ông lão bán rắn, An đi theo họ và trở thành con nuôi của ông lão, anh em của thằng Cò. Sống với gia đình Cò, An được yêu thương như con đẻ và cũng học hỏi được nhiều điều thú vị, cậu được tía nuôi và thằng Cò dắt đi câu rắn, đi lấy mật ong. Khi đi lấy mật trở về, An lại được tía nuôi dắt đến gặp Võ Tòng - một người đàn ông cô độc giữa rừng và là bạn của tía nuôi An. Sau này Võ Tòng đi giết Việt gian vì chúng đã cố mua chuộc ông Ba Ngù. Lần phục kích trên cây da, Võ Tòng đã giết được một tên Việt gian và tên lính ngụy nhưng lại bị mụ Tư Mắm chỉ điểm nên tên tướng đã bắn chết ông. Tía nuôi nhờ An nhận diện mụ vợ Tư Mắm. Vì mụ có thói quen tắm chiều nên ông đã núp dưới bèo dùng nỏ bắn chết mụ. Thời gian sau bọn giặc phải lao đao vì ông. Rừng U Minh bị chiếm đóng nên gia đình tía nuôi và An đã rời đi, gia nhập phường săn cá sấu, sau đó tới Sroc Miên, chợ Mặt Trời, cuối cùng là xuôi về Cà Mau. Tại đây An gặp lại dì Tư và biết về các anh du kích. Cuối cùng An gia nhập đội du kích và lên đường chiến đấu. 


Truyện dài "Đất rừng phương Nam" gồm 20 chương: Chương 1: Xóm chợ nhỏ một vùng quê xa lạ; Chương 2: Trong tửu quán; Chương 3: Ông lão bán rắn; Chương 4: Đêm kinh khủng; Chương 5: Ôn lại ngày cũ; Chương 6: Bước đầu cuộc sống lưu lạc; Chương 7: Gia đình bố nuôi tôi; Chương 8: Đi câu rắn; Chương 9: Đi lấy mật; Chương 10: Trong lều người đàn ông cô độc giữa rừng (2); Chương 11: Rừng cháy; Chương 12: Chạm trán với hổ; Chương 13: Cái chết của Võ Tòng; Chương 14: Mũi tên thù; Chương 15: Phường săn cá sấu; Chương 16: Qua Sóc Miên; Chương 17: Sân chim; Chương 18: Rừng đước Cà Mau; Chương 19: Du kích trong rừng; Chương 20: Lên đường chiến đấu.

Truyện dài Đất rừng phương Nam được chuyển thể thành phim Đất phương Nam do Hãng phim Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh sản xuất năm 1997 có lẽ do những nhà điện ảnh "phát hiện" ra tính cách của người dân Nam bộ với những tính cách rất khác biệt, sự hồn hậu và hiếu khác, song cũng có vẻ mạnh mẽ của những đứa con của miền Tây khắc nghiệt. Trong tác phẩm, họ mang vẻ đẹp của những chiến sĩ cách mạng thực thụ. Tinh thần quật cường, kiên trung, bất khuất được miêu tả từ thế hệ nhỏ đến thế hệ lớn. 

Từ câu chuyện cậu bé An trong quá trình chạy loạn khỏi giặc Pháp đã lạc mất cha mẹ và trôi dạt đến một mảnh đất cạnh sông. An là một cậu bé thông minh nhưng luôn phải giấu mình, để âm thầm theo dõi và giám sát hoạt động của những kẻ gián điệp làm tay sai cho Pháp. An cũng như bao đứa trẻ khác đã được nuôi lớn bằng tình yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam. Cậu bé An trong những ngày tháng lạc mất gia đình nhưng vẫn có thể góp phần vào công cuộc bảo vệ dân tộc.

Đó là dì Tư Béo, con người sống đầy tình nghĩa nhờ ngòi bút của Đoàn Giỏi cho rằng “Quán rượu dì Tư Béo nổi tiếng về thứ rượu tăm ngọt giọng, phảng phất mùi cháy khê nồi mà không nhà nào cất được, về tài xào nấu các món thịt rừng mà các lão già tính hay bông phèn đã nức nở khen rằng nhắm một miếng, thấy người phấn hứng, trẻ tráng ran gay”. “Nhiều người tin như vậy. Chứ như tôi, tôi nghĩ rằng những người lui tới nơi đây là bởi tự thói quen cố hữu của họ”. Chính vì thế, cư dân Nam bộ rất nặng tình nghĩa.

Là gia đình ông Hai và chú Võ Tòng đại diện cho tầng lớp nông dân nghèo bị bóc lột đến tận cùng, lang thang chạy trốn bọn địa chủ ác tà từ nơi này sang nơi khác, bị tù đày rồi phải dứt áo ra đi, bỏ cả quê hương nơi chôn rau cắt rốn. Tuy “nghèo như chiếc lá rụng xuống sông, nước đi tới đâu mình theo tới đó! Huống chi bây giờ lại gặp lúc giặc đánh lung tung…”. Dẫu cho cuộc đời khó khăn, tinh thần yêu nước của họ đều hiện hữu và rất lớn.

Cùng với thiên nhiên được Đoàn Giỏi vẽ lên bằng những màu sắc sinh động, tràn trề sức sống là những con người Nam bộ với những nét sắc sảo lạ lùng. Nhà văn không kể nhiều, đôi khi chỉ vài ba nét, cũng đủ để làm nổi bật tính cách anh hùng, hào sảng cũng như tình nghĩa luôn giúp đỡ những người trong hoạn nạn.

Có thể nói, “Đất rừng phương Nam” là bức tranh đẹp về thiên nhiên và con người Nam bộ. Ngôn ngữ nhân vật trong truyện là ngôn ngữ hàng ngày của người Nam bộ, thể hiện được tính cách và tâm lý ứng xử và tinh thần yêu nước mãnh liệt của họ.


3. Rời giảng đường đại học, sau khi làm việc ở hai đơn vị trong ngành Giáo dục và Đào tạo (Khoa Thông tin - Thư viện Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bù Đăng tỉnh Sông Bé), tôi đến Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) công tác tại Thư viện Tổng hợp tỉnh BR-VT, được phân công làm việc ở Phòng Nghiệp vụ rồi Phòng Công tác Bạn đọc; làm Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bạn đọc, giúp việc cho Cụ Giang Tấn (1924 – 1998), nguyên Giám đốc Thư viện đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo… và tiếp tục nghiên cứu nhu cầu, hứng thú của bạn đọc…

27 năm công tác tại Thư viện tỉnh BR-VT, qua nhiều vị trí công tác khác nhau, tôi nhận thấy rằng, nhu cầu đọc của người dân, đặc biệt là Thanh - Thiếu - Nhi, là một nhu cầu rất lớn và là nhu cầu có thật, chỉ có điều chúng ta – những người gánh trên vai sứ mệnh và trách nhiệm có đủ tâm huyết để thực thi nhiệm vụ hay không?! Qua theo dõi và nghiên cứu, chúng tôi biết răng, nhu cầu đọc, hứng thú đọc trong mỗi con người yêu sách là vô tận. Xin viện dẫn điều ấy qua những hoạt động về sách tại Thư viện tỉnh BR-VT: Những "Quyển sách tôi yêu", "Trang sách yêu thương", "Đại sứ văn hóa đọc"… chưa bao giờ "vắng bóng" ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM…

Chú thích:

(1) "Vài kỷ niệm với Nhà văn - Nhà báo Đoàn Giỏi”. Kiến thức Ngày nay. Ngày 20 tháng 02 năm 1997.

(2) Chương này được sử dụng để dạy học trong sách giáo khoa chương trình mới (2018) lớp 7 và được sửa thành "Người đàn ông cô độc giữa rừng".

Huỳnh Tới

Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu