Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Những chiến sĩ biệt động anh hùng

  • 13/04/2024
  • 63


Những chiến sĩ biệt động anh hùng/ Nguyễn Hằng Thanh chủ biên .- Hà Nội: Nxb. Thanh Niên , 2017.

Có một tập thể thiếu nhi mới 9-10 tuổi đã trở thành những chiến sĩ cộng sản tí hon, thông minh, sáng tạo, dũng cảm, kiên cường tham gia hoạt động cách mạng: Từ nuôi giấu cán bộ, làm liên lạc, làm giao liên, chế tạo vận chuyển thuốc nổ, điều nghiên nắm tình hình quân địch, tham gia các trận đánh táo bạo, diệt thám báo, đặt mìn phá Ty Chiêu hồi, phá kho vũ khí, phá xe quân sự, phá Hotel của địch và trực tiếp cầm súng chiến đấu... Khi bị giặc bắt, bị tra tấn, bị tù đầy mới ở độ tuổi 12-17 mà kiên cường giữ vững khí tiết, dũng cảm tranh đấu: Xé cờ ngụy, tuyệt thực, diệt ác ôn... để uy hiếp kẻ thù và trong địa ngục lao tù vẫn hát ca, vẫn học văn hóa, học thêu…. vẫn tìm mọi cách vượt ngục để trở về tiếp tục tham gia chiến đấu đó là câu chuyện về những người tù yêu nước trong nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. Họ là những chiến sĩ biệt động ở Sài Gòn, Quảng Nam, Đà Nẵng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Và, họ cũng là những nhân vật chính trong cuốn sách “Những chiến sĩ biệt động anh hùng” do Nhà xuất bản Thanh niên phát hành năm 2017.

Với độ dày 392 trang, quyển sách giới thiệu đến người đọc những tấm gương người lính biệt động nổi bật thông qua các bài viết như: “Liệt sỹ Trần Bình” – Người chiến sỹ dũng cảm, ngoan cường, hết lòng vì đồng đội, “Anh Mai Bốn với ký ức bi hùng thưở hoa niên”, “Ngô Tùng Chinh – Chú bé biệt động Sài Gòn”, “Nguyễn Thị Chỉ và Một đêm trắng”, “Nguyễn Văn Chức người tù vượt ngục ngày ấy”, Võ Thị Hóa – Người đội trưởng đội chim chèo bẻo ngày ấy và bây giờ, “Trương Công Nhân và đội biệt động nội thành ngày ấy”, “Đặng Bảo Xi – Người anh hùng có 2.500 ngày tranh đấu kiên cường trong xà lim"

Tuy nhỏ tuổi nhưng các chiến sỹ đã tự nguyện xin vào tổ chức, làm biệt động, giao liên… đánh đuổi giặc như các anh chị lớn. Thậm chí, trong lúc bị giam giữ trong nhà tù, không có sự lãnh đạo, chỉ đạo của các anh chị nhưng các đồng chí vẫn có đường lối, cũng tổ chức nhiều hình thức đấu tranh: chống chào cờ ngụy, tuyệt thực, tổ chức vượt ngục… Dù trải qua nhiều khó khăn, thử thách, bị tra tấn, tù đày, đau cắt da cắt thịtnhưng với tinh thần yêu nước, căm thù giặc sâu sắc đã giúp các chiến sỹ nhỏ tuổi giữ vững khí tiết, vượt qua tất cả, làm nên những điều phi thường.

Ngày nay, có những người đang phải sống trong bệnh tật và có những người đã mãi mãi ra đi. Nhưng khí tiết và nhiệt huyết của những người chiến sĩ cộng sản tí hon năm xưa vẫn luôn tỏa sáng và tiếp tục được phát huy trong thời đại Hồ Chí Minh và cuộc sống hội nhập.

Những con người anh hùng, những trận đánh của họ đã trở thành huyền thoại, là mốc son chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống quân xâm lược của nhân dân ta. Đọc quyển sách, chúng ta không chỉ hiểu thêm về lịch sử nước nhà với những con người bình dị - vĩ đại, mà còn có thể học hỏi nhiều điều từ những nhân cách lớn lao của những chiến sĩ anh hùng - lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Qua đó, tự rèn luyện mình, thêm yêu và bảo vệ, kiến thiết đất nước ngày càng giàu đẹp.

Trân trọng kính mời các bạn tìm đọc “Những chiến sĩ biệt động anh hùng” tại Thư viện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT).

Hồng Loan

Phòng Công tác Bạn đọc - Thư viện tỉnh BR-VT

  • Minh Thư (Vietnam+)