Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Tôi học đại học

  • 17/11/2023
  • 316


Tôi học đại học: Ngọn nến không bao giờ tắt/ Nguyễn Ngọc Ký .- TP. Hồ Chí Minh: Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2018.

Thầy Nguyễn Ngọc Ký sinh ngày 28 tháng 6 năm 1947 tại Hải Thanh, Hải Hậu, Nam Định. Thầy bị liệt đôi tay từ năm 4 tuổi sau một cơ bạo bệnh; 7 tuổi đi học và dùng chân để viết. Tác giả học đại học vào thời kỳ cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt nhất (1966-1970). Hai lần thầy được Bác Hồ thưởng huy hiệu vì thành tích vượt khó học giỏi. Năm 1970, Nguyễn Ngọc Ký tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó đi dạy và trở thành Nhà giáo Ưu tú năm 1992 và là Nhà văn Việt Nam đầu tiên viết bằng chân.

“Tôi học đại học” là quyển tự truyện thứ 2 của tác giả. Nếu như “Tôi đi học” là thời kỳ 12 năm đèn sách ở lớp vỡ lòng và trường phổ thông thì với tự truyện này, người đọc sẽ càng hiểu và cảm phục hơn về những năm tháng tác giả phải rời xa quê hương, mọi việc phải nhờ đến đôi chân, nhất là trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn khi mọi trường học phải rời xa thành phố sơ tán về học ở các tỉnh miền núi mà vẫn luôn học tốt.

“Tôi học đại học” gồm 2 phần:

- Phần 1: Tràng Dương - Dòng suối yêu thương những câu chuyện nổi bật như “Ấm áp giữa bơ vơ”, “Bài thuyết trình trong nước mắt”, “Tìm cách tự lo cho mình”, “Phải cháy hết mình khi cầm bút”,…

 - Phần 2: La Khê quê lụa quê mình với 8 câu chuyện nổi bật như “Ngỡ ngàng La Khê”, “Những ngày viết luận văn”, “Nước mắt giáo sư”,, “Những dòng lưu bút”,…

Tác phẩm được thể hiện bằng những ngôn từ giản dị, mộc mạc, truyền cảm, khắc họa rõ nét sự cơ cực, bao gian nan thử thách, nhưng vẫn đầy ắp những yêu thương, sự giúp đỡ tận tình dành cho người sinh viên vượt khó vươn lên Nguyễn Ngọc Ký. Bên cạnh đó, người đọc sẽ còn cảm nhận sự tự hào, nể phục những câu chuyện về những người thầy - những nhân cách lớn (Thầy Ngụy Như Kon Tum - Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956-1980), GS. Hoàng Xuân Nhị,..). Những câu chuyện đó sẽ góp phần không nhỏ giúp bạn nhận ra những bài học quý trong sự nghiệp “trồng người”.

Nguyễn Ngọc Ký quả là một tấm gương sáng ngời về nghị lực vượt lên số phận. Tác giả đã chứng minh cho mọi người thấy một người tật nguyền như mình vẫn có thể trở thành người có ích cho xã hội. Tên tuổi Nguyễn Ngọc Ký đã được mọi người biết đến với lòng trân trọng, ngưỡng mộ, cảm phục. Mãi mãi, cái tên Nguyễn Ngọc Ký và những tác phẩm đầy tính giáo dục sâu sắc sẽ còn in sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam hôm nay và mai sau.

Kim Yến

Phòng Công tác Bạn đọc - Thư viện tỉnh BR-VT