Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Tự hào Lộc Ninh!

  • 26/04/2022
  • 842

     Chiến thắng Lộc Ninh ngày 7/4/1972 nửa thế kỷ trước, tạo bước đột phá, mở đầu cho chuỗi chiến thắng vang dội sau này ở Đông Nam bộ, trên toàn chiến trường miền Nam, tiến đến đại thắng mùa Xuân năm 1975. Lộc Ninh, điểm cuối của con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, thông nối với nước bạn Campuchia và Lào, nơi tiếp nhận sự chi viện to lớn của cải, vũ khí, nguồn lực của hậu phương miền Bắc.


Nhà báo Cao Kim (bìa trái) và nhà báo Vũ Tuất Việt, nguyên Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, tại căn cứ báo Giải Phóng (Tây Ninh) năm 1970.

     Nhà báo Cao Kim (Nguyễn Kim Toàn), nguyên Tổng Biên tập báo Hải Phòng, gần 10 năm làm phóng viên  báo Giải Phóng, từ thành phố cảng Hoa Phượng Đỏ điện thoại cho tôi:

     - Đáng lẽ dịp này tôi bay vào Bà Rịa - Vũng Tàu gặp các đồng đội thân quý rồi lên Sài Gòn để về huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước dự lễ kỷ niệm nửa thế kỷ giải phóng hoàn toàn Lộc Ninh, nhưng tuổi cao sức yếu, lực bất tòng tâm. Muốn đi Lộc Ninh, vào chiến trường xưa vào dịp này nhưng  đành chịu.

     Ngừng lại giây lát, nhà báo Cao Kim nói tiếp:

    - Tỉnh Bình Phước, huyện Lộc Ninh rất chu đáo gửi thư mời, mua sẵn vé máy bay, có xe đưa các lão thành về với khu căn cứ kháng chiến xưa, thư mời trang trọng kèm  quà quý, sản phẩm văn hóa và  đặc sản địa phương. Lúc này đây lại càng nhớ vùng  biên giới Tây Nam, càng thêm  nhớ Sài Gòn, nhớ miền Nam yêu dấu.

     Cách đây gần 6 thập niên, ngày 20/12/1964, tại chiến khu C ở tỉnh Tây Ninh, giáp biên giới Campuchia, báo Giải Phóng, cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam xuất bản số đầu. Năm 1966, Cao Kim cùng 32 đồng nghiệp báo chí từ miền Bắc hành quân vào chiến trường, được bổ sung làm phóng viên báo Giải Phóng. Bình Long, Phước Long, Lộc Ninh là chiến trường quen thuộc của Cao Kim. Năm 1966, 1967 và sau này năm 1972, 1973 - sau khi huyện Lộc Ninh hoàn toàn giải phóng, Cao Kim đã gắn bó, lăn lộn với đất và người vùng biên viễn. Năm 1973, sau khi có Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Cao Kim là tổ trưởng tổ phóng viên  chứng kiến và phản ánh các cuộc trao trả tù binh giữa Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam và phía chính quyền Sài Gòn.

      Suốt mấy tháng tác nghiệp tại sân bay Lộc Ninh, Cao Kim đã dày công tìm kiếm một nữ đồng nghiệp bị địch bắt trước đó, nhưng chẳng hề có thông tin nào. Mãi sau này mới được biết người nữ đồng nghiệp kiên trung đó (chị Trương Thị Mai) bị địch bắt, do giữ vững khí tiết cách mạng, một mực không khai báo, chúng tra tấn dã man, rồi  thủ tiêu chị.

     Cao Kim kể thêm kỷ niệm, một lần được cử về chiến trường Hớn Quản, Bình Long, nay là tỉnh Bình Phước làm công tác vận động quần chúng; bà con làng bản  đã nhầm Cao Kim  là  lính chiến Mỹ. Chiều 23 tháng Chạp năm Bính Ngọ-1966, Cao Kim và 3 đội viên du kích “ém” quân dưới công sự, gần con đường đất đỏ bên cánh rừng cao su hướng vào làng Trà Thanh – vùng tranh chấp giữa ta và địch. Cả tổ bàn nhau cứ “ém” đây chờ trời tối sẽ vào làng gặp bà con.

     Lúc có ám hiệu bí mật để vào làng, cả tổ rời công sự. Khi vào tới làng, một số bà con nhìn Cao Kim vóc dáng cao lêu nghêu lại tưởng nhầm là lính Mỹ. Mặc cho nhầm, nhóm du kích cười khì: “Cứ để cho họ nhầm xem sự thể  ra sao?”.  Rốt cuộc trò chơi úm bà la bị bại lộ sau một  trận mưa to. Mưa lớn ước ướt sũng bìa rừng, Cao Kim không thể không lên tiếng bằng tiếng Việt quá chuẩn, ra tay sửa lại mảng tôn nhà, để nước mưa không chảy ngập nền  nhà một bà má cùng cô con gái trẻ.

     Cuối năm 2021, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn về thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước. Sau buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền trực tiếp hướng dẫn Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thăm Lộc Ninh, cụm căn cứ Lộc Thành - Tà Thiết, đặt vòng hoa viếng các anh hùng,  liệt sĩ.

     Bộ trưởng đội mũ tai bèo hành hương về cội nguồn đã để lại những ấn tượng đặc biệt sâu sắc.

    Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhớ nhiều hình ảnh của thân phụ nhà báo Nguyễn Kim Toàn, xúc động: “Quả là một ngày đặc biệt, ngày hội tụ của quá khứ hào hùng, hiện tại tỏa sáng, hướng tới tương lai tươi đẹp”.

     Và chỉ đến lúc này, lãnh đạo tỉnh Bình Phước và nhiều cô giáo, thầy giáo tỉnh nhà mới biết Bộ trưởng  chính là con trai của nhà báo Nguyễn Kim Toàn, phóng viên báo Giải Phóng, người có nhiều kỷ niệm sâu sắc, nghĩa tình với mảnh đất kiên trung này của miền Đông Nam bộ. Nhà báo Cao Kim là người  rất nhiệt thành trực tiếp hỗ trợ về nghiệp vụ, giảng viên các bồi dưỡng phóng viên, cộng tác viên để làm tờ tin Lộc Ninh và báo Đoàn Kết của tỉnh Bình Long ngày ấy.

     Lộc Ninh - cụm căn cứ Lộc Thành - Tà Thiết  tự hào, từ đầu năm 1973 được chọn làm căn cứ chỉ huy của Bộ chỉ huy Miền, nơi mà các tướng lĩnh, lãnh đạo cấp cao như: Tư lệnh Trần Văn Trà, Phó Tư lệnh Nguyễn Thị Định, Chính ủy Phạm Hùng, Phó Tư lệnh kiêm Tham trưởng Lê Đức Anh hội họp, ra lệnh tổng công kích các chiến dịch lịch sử.

    Các thế hệ hôm nay trân trọng, biết ơn công lao và những đóng góp to lớn của các thế hệ cha anh, của biết bao người con ưu tú, kiên trung của quê hương, đất nước đã cống hiến, hy sinh.

    Tự hào thay “An toàn khu” Lộc Ninh  những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hào hùng, chiến công nối tiếp chiến công. Và một Lộc Ninh hôm nay đổi mới & phát triển, thay da đổi thịt  từng ngày.


Quốc Toàn

Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu