Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)

Mặt trời trong lòng núi

  • 27/07/2024
  • 184


Mặt trời trong lòng núi: Truyện ký/ Nguyễn, Xuân Châu .- TP. Hồ Chí Minh:  Tổng hợp; 2011 .- 126 tr.; 21 cm.

Núi Bà Rá là nơi ghi dấu nhiều chiến tích anh dũng, kiên cường của các chiến sỹ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Từ năm 1925 đến năm 1941, thực dân Pháp cho xây dựng tại chân núi Bà Rá một nhà tù lớn để giam giữ tù nhân. Tại đây, chúng đã từng giam giữ các đồng chí: Tô Ký, Trần Văn Giàu, Nguyễn Thị Định… Trong kháng chiến chống Mỹ, núi Bà Rá là căn cứ quân sự của Mỹ - ngụy nhằm kiểm soát vùng Đông Nam bộ. Nhưng núi Bà Rá cũng mang trên mình nhiều chiến tích anh dũng kiên cường của quân và dân Phước Long. Bên sườn núi phía Tây có hang Dơi, hang Cây Sung là căn cứ địa cách mạng vững chắc mà Đội Biệt động Bà Rá đã từng bám trụ và lập nhiều chiến công.

Để tưởng nhớ và tỏ lòng tri ân sâu sắc tới những chiến sĩ đã hy sinh và những người còn sống, tác giả Nguyễn Xuân Châu đã sưu tầm và ghi lại những ký ức lịch sử anh hùng của Đội Biệt động Bà Rá qua tác phẩm truyện ký “Mặt trời trong lòng núi”. Sách dày 126 trang, do Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh phát hành năm 2011. Cuốn sách “Mặt trời trong lòng núi” được viết dựa trên nhiều nguồn tư liệu khác nhau cùng với lời kể của nhân chứng sống lúc bấy giờ sẽ giúp bạn đọc hiểu phần nào về hoạt động và chiến tích của Đội Biệt động Bà Rá anh dũng.

Đội Biệt động Bà Rá được thành lập từ năm 1965 và hoạt động ở ngay núi Bà Rá trong suốt mười năm liền (từ năm 1965 cho đến ngày 6/1/1975, khi giải phóng Phước Long). Đội do hai đồng chí Huỳnh Thị Minh Tuyết và Nguyễn Văn Thỏa làm đội trưởng, đã lập nhiều chiến công xuất sắc, khiến kẻ địch ăn không ngon, ngủ không yên, lúc nào cũng nơm nớp lo đối phó.

Khác với hoạt động của biệt động nội thành, Đội Bà Rá chủ yếu dựa vào núi rừng hiểm trở, được người dân hết lòng che chở, nên dù hoạt động ngay tận hang ổ của địch, dù bị địch bao vây, ruồng bắt liên tục mà vẫn an toàn. Nhiệm vụ chính của đội Bà Rá là vận động tuyên truyền cách mạng, tạo tiếng vang lớn trong lòng địch...

Dẫu biết rằng chiến tranh là khốc liệt, đẫm máu, là hy sinh mất mát, nhưng sự hy sinh khiến Bảy Thỏa (Nguyễn Văn Thỏa - Đội trưởng) đau đớn, xúc động nhất là sự hy sinh của vợ chồng Thời - Liên. “Chị Liên đưa thư của K ủy cho đội, bị địch phục kích bắn chết ngay lèn đá”, Thời - chồng Liên nghe được tin “lặng người đi, đôi mắt như ngây dại, lát sau như sực tỉnh, gầm lên: Vợ tôi đã bị địch giết. Tôi phải trả thù, tôi phải khiêng xác vợ tôi đem về… Anh cầm khẩu đại liên, xông ra khỏi hang, Bảy Thỏa ngăn lại không kịp….Từ trong hang  nhìn ra, thấy hàng chục tên địch gục ngã. Rồi tiếng súng im bặt… anh thấy Thời nằm cạnh Liên, người đầy vết đạn. Bảy Thỏa khóc nấc lên, đau đớn vô cùng. Hai vợ chồng trẻ mới cưới nhau vài tháng, vậy mà đã vĩnh viễn ra đi, xác cách nhau chỉ được vài mét.”

Trong chiến tranh, điều gì cũng có thể xảy ra, không ai biết được điều đó. Khoảng cách giữa sống và chết mong manh như sợi tóc. “Bảy Thỏa đã từng chôn cất hàng chục đồng đội thân yêu. Họ hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Nhiều người chưa biết thế nào là tình yêu trai gái… Đối với những người đó, tình yêu Tổ quốc lớn lao hơn tất cả, vì Tổ quốc mà họ hy sinh máu xương, không hề nuối tiếc. Nhưng đồng đội thì nuối tiếc họ vô cùng.” Thân xác họ vùi vào cỏ cây đất đá Phước Long, họ là những anh hùng.

Lấy đau thương làm động lực chiến đấu, anh và đồng đội mười người giờ chỉ còn bốn quyết chiến đấu để bảo vệ Đội Biệt động Bà Rá, giữ liên lạc, kết nối và cùng phối hợp với đoàn quân chủ lực Trung đoàn 165, dẫn đường tiến đánh các vị trí xung yếu của địch ở Bà Rá, Phước Long. Trận đánh ác liệt đã có không ít chiến sĩ hy sinh, nhưng Phước Long là tỉnh đầu tiên ở miền Nam đã được hoàn toàn giải phóng. Những giọt nước mắt nghẹn ngào vì hạnh phúc quê hương được giải phóng. Bảy Thỏa “gọi thầm tên những đồng đội đã khuất…và biết bao bạn bè đã hy sinh, nằm lại trên vùng đất Phước Long… Phước Long hiện nay đã giải phóng rồi, các bạn mãi sống trong lòng Phước Long yêu dấu…”

Và Bảy Thỏa vẫn tự nhủ lòng: Sẽ không bao giờ quên Đội Biệt động Bà Rá. Anh và đồng đội - như những mặt trời trong lòng núi Bà Rá, lấy thời trẻ của mình làm ánh sáng làm lý tưởng của cuộc đời… Như bài thơ “Mặt trời trong lòng núi” của nhà thơ Phương Vỹ đã viết:

Đội Biệt động Bà Rá anh hùng

Những chàng trai, cô gái trẻ trung

Như mặt trời trong lòng núi

Sáng mãi đêm Phước Long

Kẻ thù hãi hùng

Nhân dân phấn khởi

Lý tưởng cách mạng như mặt trời soi rọi

Hòa vào ánh sáng tuổi thanh xuân

Làm nên những kỳ tích lẫy lừng

Đội Biệt động Bà Rá anh hùng

Sáng mãi

Mặt trời trong lòng núi

Và ngày nay, ai đến chân núi Bà Rá, cũng thấy một văn bia bằng đá tưởng nhớ liệt sĩ và đồng bào tử nạn ở Bà Rá - Phước Long. Người viết những dòng bi hùng đó, không ai khác chính là Nguyễn Văn Thỏa, tức Bảy Thỏa, người Đội trưởng Đội Biệt động Bà Rá anh dũng năm xưa.

Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc./.

Đinh Thúy

Phòng Công tác Bạn đọc - Thư viện tỉnh BR-VT

  • Minh Thư (Vietnam+)